Nguồn cung đang cạn dần, giá lúa gạo tới đây sẽ biến động mạnh

02/05/2022 14:59 GMT+7
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang giao dịch ở mức 415 USD/tấn, ổn định trong khoảng 2 tuần qua. Tuy nhiên, dự báo giá gạo có thể tăng lên tới do nguồn cung đang cạn dần khi vụ thu hoạch Đông Xuân sắp kết thúc.

Giá lúa gạo tăng nhẹ  

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.650 đồng/kg, giá bình quân là 5.608 đồng/kg, tăng 29 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.550 đồng/kg, tăng 10 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng tiếp tục tăng nhẹ. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.550 đồng/kg, giá bình quân 9.104 đồng/kg, tăng 11 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.350 đồng/kg, giá bình quân 8.900 đồng/kg, tăng 33 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 8.658 đồng/kg, tăng 33 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.483 đồng/kg, tăng 108 đồng/kg.

Nguồn cung đang cạn dần, giá lúa gạo tới đây sẽ biến động mạnh - Ảnh 1.

Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ so với tuần trước.

Tại An Giang, một số loại lúa có sự tăng giá so với tuần trước như: OM 18 từ 5.800-6.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.800-6.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Một số loại vẫn giữ giá ổn định như: IR 50404 ở mức từ 5.500-5.600 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.900-6.000 đồng/kg, riêng OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; riêng gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.

Hiện các địa phương Nam Bộ gần như cơ bản đã thu hoạch xong lúa Đông Xuân. Nhiều địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất vụ Hè Thu. Đến trung tuần tháng 4, diện tích đã xuống giống 500.299/1.610.784 ha.

Tại phía Bắc, vụ đông xuân 2020 - 2021, lúa tại hầu hết các tỉnh thành được thời tiết ưu ái, sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Năng suất, sản lượng, chất lượng tại một số tỉnh dự kiến đạt mức khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số tỉnh thuộc Bắc Trung bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế còn nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông cuối vụ.

Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo địa phương bám sát đợt cao điểm phòng trừ dịch hại, dự kiến diễn ra từ ngày 3 - 8/5. Nếu ra quân đồng bộ, quyết liệt, bà con nông dân sẽ kiểm soát được lứa sâu gây hại chính vụ này.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang giao dịch ở mức 415 USD/tấn, ổn định trong khoảng 2 tuần qua. Tuy nhiên, dự báo giá gạo có thể tăng lên tới do nguồn cung đang cạn dần khi vụ thu hoạch Đông Xuân sắp kết thúc.

Các thương nhân đang do dự không ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới, chờ giá lên cao hơn. Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 300.990 tấn gạo được vận chuyển tại cảng thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 4/2022 và 40.000 tấn trong tuần đầu tiên của tháng 5/2022, trong đó phần lớn số gạo này được chuyển đến Philippines, châu Phi và Cuba.

Dự báo, trong tháng 5/2022, nhập khẩu gạo của Trung Quốc, EU, Indonesia và Philippines tăng. Đây sẽ là cơ hội để gạo Việt mở rộng xuất khẩu.

Thị trường gạo sôi động, tiêu thụ gạo trong quý II sẽ có nhiều thuận lợi

Trong quý I, số liệu từ các tổ chức thế giới đều cho thấy sản lượng sản xuất gạo toàn cầu đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng sản xuất gạo toàn cầu quý I ước khoảng 128,5 triệu tấn, tăng 0,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cũng ước tính sản xuất gạo toàn cầu quý I đạt 128,5 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2021. Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) ước tính sản lượng sản xuất gạo thế giới trong quý I khoảng 130,08 triệu tấn, tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu, theo tính toán của FAO đạt 173,5 triệu tấn trong quý và tăng 1,8% so với cùng kỳ 2021. Còn theo IGC ước tính sản lượng tiêu thụ gạo trong trong quý ở mức 171,2 triệu tấn, tăng 0,96%.

Nguồn cung đang cạn dần, giá lúa gạo tới đây sẽ biến động mạnh - Ảnh 2.

Các chuyên gia đều nhận định xu hướng giá đi lên khiến người bán có tâm lý chờ giá tốt mới bán ra trong khi các nước nhập khẩu lại muốn mua sớm nên tình hình tiêu thụ gạo trong quý II sẽ có nhiều thuận lợi.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ vượt 8 triệu tấn trong năm nay, do đồng baht yếu và nhu cầu tăng cao trên thị trường toàn cầu. Hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 432-435 USD/tấn, tăng so với mức từ 410-414 USD/tấn của tuần trước.

Lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đã đạt 1,5 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm, tăng mạnh so với 900.000 tấn cùng kỳ năm 2021. Nếu Thái Lan có thể xuất khẩu trung bình 700.000 tấn/tháng, tổng sản lượng xuất khẩu có thể sẽ đạt ít nhất 8 triệu tấn trong năm nay, cao hơn mức 7 triệu tấn mà TREA dự báo. Giá trị xuất khẩu gạo ước tính đạt 130 tỷ baht (khoảng 3,88 tỷ USD), tăng so với mức 110 tỷ baht năm ngoái. 

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trước đó cạnh tranh do đồng baht yếu, song hiện đã cao hơn giá gạo Việt Nam. Giá gạo Thái Lan cao hơn giá gạo Việt Nam có thể khiến các nhà nhập khẩu như Philippines, Malaysia và Trung Quốc... chuyển sang mua gạo Việt Nam. Dịch Covid-19 bùng phát ở Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, cũng như việc phong tỏa ở một số tỉnh của Trung Quốc, người tiêu dùng có thể nhắm tới gạo Việt Nam nhiều hơn.

Với Campichia, nước này đang chủ động đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo, với mục tiêu trọng tâm hướng đến các thị trường Trung Quốc Đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Macau (Trung Quốc) cùng các nước ASEAN. Chính sách của Campuchia được thúc đẩy bởi thực tế lượng gạo xuất khẩu đi châu Âu của Campuchia đang có xu hướng giảm dần vì khan hiếm các vận đơn tàu biển và giá vận tải tăng cao trong suốt 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập nhiều gạo Campuchia nhất trong vòng hai tháng đầu năm 2022, với 56.385 tấn, tăng 49,84% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là thị trường 20 nước châu Âu (26.507 tấn, tăng 39,54%).

Tại Ấn Độ: Phân khúc gạo trắng non-basmati của nước này bị chi phối bởi nhu cầu nhập khẩu tấm trắng hàng loạt cho thị trường thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc. Giá chào gạo trắng các loại kết thúc tuần ổn định, riêng giá chào gạo tấm vẫn tăng theo giá nội địa (dù đã được bù đắp phần nào do đồng rupee suy yếu so với đồng dollar). Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ hiện được giao dịch ở mức từ 361-365 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. 

Về nhập khẩu, Cơ quan USDA đã công bố bảng cân đối gạo mới nhất trong niên vụ 2022-2023 của Trung Quốc. Theo đó, nhập khẩu gạo trong năm của Trung Quốc tăng so với năm trước với mức dự báo từ cơ quan USDA là 5 triệu tấn, tăng so với ước tính 4,6 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022. Cơ quan USDA kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp túc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Pakistan, điều này cho phép các nhà nhập khẩu Trung Quốc tránh được hạn ngạch thuê quan (TRQ) trong năm 2022. Theo các nguồn tin trong ngành, gạo nhập khẩu đang được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi và việc mua được thúc đẩy bởi giá cả. Giá gạo quốc tế được báo cáo dao động ở mức thấp. Cơ quan USDA đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ mua gạo trong thời gian tới dựa trên giá gạo của thị trường quốc tế.

Với Philippines, theo cơ quan Thống kê Philippines (PSA), tính đến ngày 1/1/2022, tổng dự trữ gạo của Philippines ở mức 1,859 triệu tấn, giảm 22% từ 2,378 triệu tấn so với vào ngày 1/1/2021 và giảm khoảng 20% so với 2,332 triệu tấn được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tồn kho hộ gia đình chiếm 991.560 tấn, tồn kho thương mại chiếm 659.560 tấn và tồn kho NFA chiếm 208.330 tấn. Philippines sẽ phải tăng nhập khẩu gạo để bù đắp cho sự thiếu hụt, và đây sẽ là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam.

Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo đạt trên 1,5 triệu tấn trong quý I, tương đương trên 730,76 triệu USD, tăng 26% về khối lượng, tăng 12,7% về kim ngạch so với quý I/2021, giá trung bình đạt 486,2 USD/tấn, giảm 10,6%. Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong lượng gạo xuất khẩu.

Các chuyên gia đều nhận định xu hướng giá đi lên khiến người bán có tâm lý chờ giá tốt mới bán ra trong khi các nước nhập khẩu lại muốn mua sớm nên tình hình tiêu thụ gạo trong quý II sẽ có nhiều thuận lợi.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục