Nhu cầu thị trường mạnh, xuất khẩu gạo sắp tăng tốc mạnh?

24/04/2022 20:13 GMT+7
Xuất khẩu gạo dự kiến của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, EU, Indonesia, Philippines, Bangladesh, Iran và Sri Lanka...

Xuất khẩu gạo dự kiến của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.650 đồng/kg, giá bình quân là 5.579 đồng/kg, tăng 7 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.540 đồng/kg, tăng 5 đồng/kg.

Đặc biệt, giá các mặt hàng gạo đã có sự tăng khá trở lại. Theo đó, giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.550 đồng/kg, giá bình quân 9.093 đồng/kg, tăng 136 đồng/kg.

Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.350 đồng/kg, giá bình quân 8.867 đồng/kg, tăng 133 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 8.625 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg.

Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.375 đồng/kg, tăng 223 đồng/kg. Riêng giá cám cũng tăng mạnh, trung bình là 8.311 đồng/kg, tăng 432 đồng/kg.

Nhu cầu thị trường mạnh, xuất khẩu gạo sắp tăng tốc mạnh? - Ảnh 1.

Hiện thu hoạch vụ Đông Xuân đã đi vào cuối vụ. Thị trường giao dịch ổn định.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần qua được chào bán ở mức 415 USD/tấn, giảm từ mức tương ứng 420-425 USD/tấn của tuần trước, trong bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào và nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch khoảng 90% vụ Đông Xuân. Giá gạo 100% tấm ở mức 360 USD/tấn; gạo 25% tấm 395 USD/tấn; gạo Jasmine ổn định ở mức 513 – 517 USD/tấn.

Trong tuần qua, giao hàng gạo Việt tiếp tục giảm so với tuần trước ở hầu hết các chủng loại, riêng nếp và tấm nếp tăng nhẹ. Với thị trường Trung Quốc, giao hàng gạo tăng nhẹ so với tuần trước, khách Trung Quốc hỏi mua nhiều Nếp phục vụ cho Tết Đoan Ngọ. Trong khi đó, giao hàng gạo đi châu Phi tiếp đà giảm mạnh với chủng loại xuất khẩu chủ yếu vẫn là Đài thơm 8 và OM 18. Với thị trường Philippines, giao hàng gạo tăng nhẹ, giao hàng mới sôi động hơn do nước này có thể nhập khẩu sớm hơn so với dự kiến.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% được báo ở mức từ 361-365 USD/ tấn, giảm so với mức tương ứng từ 364-368 USD/tấn của tuần trước. Đồng rupee yếu hơn cũng ảnh hưởng tới giá gạo của Ấn Độ bởi làm tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán hàng ra nước ngoài.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên mức từ 410-414 USD/tấn, từ mức 408-412 USD của hai tuần trước. Thái Lan đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Bangladesh, giá gạo nội địa vẫn tăng cao mặc dù có lượng dự trữ tốt nhờ vào vụ mùa bội thu và lượng gạo nhập khẩu lớn, trong khi Chính phủ Bangladesh cung cấp ngũ cốc trợ cấp cho người dân nghèo.

Tại thị trường Philippines, giá gạo 5% tấm đang được mua vớ mức giá 420 – 430 USD/tấn; gạo hạt dài như Đài thơm 8/ OM18 480 – 500 USD/tấn. Hiện nhu cầu thị trường này đang chậm lại do quota bị siết lại. Tháng 5/2022 Chính phủ mới bắt đầu mở đấu thầu. Đối với thị trường châu Phi, nhiều khách hàng hỏi mua song mức giá không cao.

Nhu cầu thị trường mạnh, xuất khẩu gạo sắp tăng tốc mạnh? - Ảnh 2.

Trong quý I/2022, xuất khẩu gạo đạt trên 1,5 triệu tấn, tương đương trên 730,76 triệu USD.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo dự kiến của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường. Dự báo, tháng 5/2022, nhập khẩu gạo của Trung Quốc, EU, Indonesia, Philippines, Bangladesh, Iran và Sri Lanka tăng so với trước đó. Đây là cơ hội để gạo Việt mở rộng xuất khẩu.

Cơ quan USDA đã công bố bảng cân đối gạo mới nhất trong niên vụ 2022-2023 của Trung Quốc. Theo đó, nhập khẩu gạo trong năm của Trung Quốc tăng so với năm trước với mức dự báo từ cơ quan USDA là 5 triệu tấn, tăng so với ước tính 4,6 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022. 

Bên cạnh việc gia tăng nhập gạo từ Việt Nam, cơ quan USDA kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp túc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Pakistan, điều này cho phép các nhà nhập khẩu Trung Quốc tránh được hạn ngạch thuê quan (TRQ) trong năm 2022. 

Theo các nguồn tin trong ngành, gạo nhập khẩu của Trung Quốc đang được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi và việc mua được thúc đẩy bởi giá cả. Giá gạo quốc tế được báo cáo dao động ở mức thấp. Cơ quan USDA đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ mua gạo trong thời gian tới dựa trên giá gạo của thị trường quốc tế.

Trong quý I, theo ước tính của nhiều tổ chức thế giới, sản lượng sản xuất gạo toàn cầu đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá gạo FAO trung bình đạt 103 điểm trong tháng 3, tăng 0,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần cuối tháng 3, giá gạo một số nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn ghi nhận sự chững lại. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện đang cạnh tranh do đồng baht yếu, hiện gần bằng giá gạo Việt Nam.

Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo đạt trên 1,5 triệu tấn trong quý I, tương đương trên 730,76 triệu USD, tăng 26% về khối lượng, tăng 12,7% về kim ngạch so với quý I/2021, giá trung bình đạt 486,2 USD/tấn, giảm 10,6%. Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong lượng gạo xuất khẩu.

Các chuyên gia đều nhận định xu hướng giá đi lên khiến người bán có tâm lý chờ giá tốt mới bán ra trong khi các nước nhập khẩu lại muốn mua sớm. Mọi năm Philippines đến cuối tháng 5 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo nhưng nay các dấu hiệu cho thấy họ dự kiến sẽ nhập khẩu ngay từ đầu tháng 5 nên tình hình tiêu thụ gạo trong quý II sẽ có nhiều thuận lợi.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục