Cung không đủ cầu, người dân “mờ mắt” tìm nhà ở

04/08/2022 19:45 GMT+7
Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm bất động sản nhà ở Hà Nội cũng như tại các thành phố lớn liên tục thiết lập mặt bằng giá mới khiến người dân có nhu cầu đang khó khăn tìm kiếm nhà ở. Chuyên gia nhận định nguồn cung nhà ở không đủ là nguyên nhân chính.

Nguồn cung nhà ở thiếu, giá nhà tăng mạnh

Theo nhiều dự báo những tháng cuối năm 2022, thị trường không có thay đổi lớn về nguồn cung nhà ở và giao dịch, nguồn cung vẫn chủ yếu là căn hộ cao cấp hạng sang. Và giá bán bình quân các dự án vẫn có khả năng tăng thêm 15%.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, giá nhà tại thị trường Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng mới. Theo đó, những căn chung cư giá 25 triệu đồng/m2 gần hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Chung cư có giá bán trên thị trường sơ cấp quý II/2022 được ghi nhận trung bình ở mức 42 – 45 triệu đồng/m2, cao hơn 27% so với mức giá cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung nhà ở thiếu khiến giá nhà chung cư tăng cao (Ảnh: Thái Nguyễn)

Nguồn cung nhà ở thiếu khiến giá nhà chung cư tăng cao (Ảnh: Thái Nguyễn)

Anh Huy Hùng đang trọ ở quận Gia Lâm cho biết, hiện có khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng vẫn "mờ mắt" không tìm kiếm được nhà ở phù hợp. Vì khu vực các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, giá nhà chung cư hầu hết thấp nhất có giá từ 30 – 35 triệu đồng/m2.

"Với tài chính hiện tại của tôi thì rất khó để mua chung cư phù hợp với gia đình 4 người, cần khoảng 2 phòng ngủ và rộng trên 60m2. Hầu hết các căn nhà đủ tiêu chí đều có giá ít nhất trên 2 tỷ đồng", anh Hùng ngậm ngùi chia sẻ.

Anh Đình Long, một môi giới bất động sản cho biết giá nhà tăng nhanh khiến khách hàng cũng khó khăn trong việc quyết định giao dịch. Khách hàng có nhu cầu thực để ở "bỏ" chạy còn khách mua đầu tư cũng lưỡng lự vì lo giá quá cao khó thanh khoản, lợi nhuận thấp.

"Mặt bằng giá nhà ở Hà Nội đang khá cao so với giá trị thật. Trước đây, nhiều căn hộ chung cư rộng 60m2 chỉ có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng hiện rất ít những căn nhà như vậy, nếu có cũng rất xa trung tâm", anh Long chia sẻ.

Nguồn cung nhà ở không đáp ứng đủ nhu cầu người dân

Theo Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở mới của tất cả các phân khúc trong 6 tháng đầu năm đều hạn chế, giá bán bất động sản tiếp tục tăng mạnh từ đất nền đến căn hộ, biệt thự, chung cư, nhà ở xã hội...

Mới đây, tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

"Thiếu vắng" những dự án nhà thương mại mới dẫn tới nguồn cung nhà ở giảm (Ảnh: Thái Nguyễn)

"Thiếu vắng" những dự án nhà thương mại mới dẫn tới nguồn cung nhà ở giảm (Ảnh: Thái Nguyễn)

Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng cần phải nhanh chóng có giải pháp nhằm mở rộng thêm nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung ngắn hạn, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ đơn vị phát triển, tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư dự án, không để tồn đọng và kéo dài nhiều hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, công bố thông tin dữ liệu về những dự án được chấp thuận đầu tư, kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, dự án được phép giao dịch trên thị trường, biến động giá BĐS.

"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay cần phải tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật, rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư dự án BĐS để tháo gỡ kịp thời trước khi đợi sửa luật. Đề nghị thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục phê duyệt đầu tư", ông Đính nhận định.

Theo số liệu tổng hợp, báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng, riêng 6 tháng đầu năm 2022, dự án nhà ở thương mại chỉ có trên 22.700 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021, cho thấy chưa có sự cải thiện về nguồn cung. Giá nhà ở tăng bình quân tăng 4 - 5%, cộng với biên độ chênh lệch khoảng 10% của năm 2021 so với năm 2020, như vậy trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, giá nhà tăng thêm 15 - 20%.

Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục