Thị trường gạo sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, Philippines

16/10/2022 16:21 GMT+7
Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng khá. Thị trường sôi động nhờ nhu cầu mua gạo từ Trung Quốc, Philippines...

Thị trường gạo sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, Philippines

Giá lúa gạo hôm nay 16/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể nếp An Giang khô đang được thương lái thu mua ở mức 8.400 – 8.500 đồng/kg; nếp khô Long An 8.600 – 9.000 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 đang được thương lái thu mua ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 5.500 -5.700 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu đang được thương lái thu mua ở mức 9.000 đồng/kg, gạo thành phẩm 9.600 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ổn định ở mức 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Trong tuần qua giá gạo trong nước và xuất khẩu liên tục điều chỉnh tăng. Thị trường giao dịch sôi động hơn. Nguyên nhân là do hiện nay các khách hàng Trung Quốc và Philippines đang tiếp tục đẩy mạnh thu mua gạo nhằm bù đắp lượng thiếu hụt trong nước.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Thị trường gạo sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, Philippines - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 16/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn.

Nhiều doanh nghiệp dự báo, thị trường gạo quý IV sẽ tiếp tục sôi động nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước, nhất là tại 2 thị trường trọng điểm Philippines và Trung Quốc, nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao cho đến thu hoạch vụ Thu Đông thậm chí sang vụ Đông Xuân.

Hiện Trung Quốc đang tăng nhập khẩu gạo thơm và nếp của Việt Nam, và Philippines cũng sẽ tăng mua gạo vào quý IV, với khối lượng khoảng 200.000 tấn/tháng. Dự báo, 3 tháng cuối năm Philippines sẽ nhập khẩu gạo tiếp, bình quân lượng gạo nhập khẩu khoảng 200 ngàn tấn/tháng. Năm 2021 Phillippines cũng nhập khẩu với khối lượng tương đương 200 ngàn tấn/tháng.

Bức tranh cung cầu của thị trường gạo đang thiên về xu hướng tăng 

Các chuyên gia dự báo giá lúa vụ Thu Đông sẽ tốt hơn tạo tâm lý phấn khởi để bà con đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân tới, là vụ lúa chính có lượng hàng hóa rất dồi dào, các nước sẽ tăng nhập hàng để tiêu dùng hoặc dự trữ.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2022-2023, Nam Bộ sẽ xuống giống 1,58 triệu ha; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,5 triệu ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển để đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Đối với vùng này sẽ xuống giống sớm, xong trước 30/10.

Thị trường gạo sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, Philippines - Ảnh 2.

Bức tranh cung cầu của thị trường gạo đang thiên về xu hướng tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu năm 2023.

Bức tranh cung cầu của thị trường gạo đang thiên về xu hướng tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu năm 2023. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á - nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Do là loại lương thực thiết yếu, nên nhu cầu sử dụng gạo sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như những mặt hàng khác. Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, nhu cầu ổn định, giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn dư địa tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong khi thị trường lúa, gạo đang tăng giá tốt, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam có mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Các doanh nghiệp cho biết nguồn cung trong nước đang ở mức thấp và giá gạo có thể cao hơn một chút trong những tuần tới.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 265.250 tấn gạo sẽ được xuất cảng thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-22/10; trong đó phần lớn gạo được xuất sang các nước Philippines, châu Phi và Bangladesh.

Và trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đi ngang ở mức cao thì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm xuống mức thấp của hơn 2 tháng trong tuần này do đồng baht suy yếu và nhu cầu giảm. Giá gạo Thái 5% tấm được giao dịch ở mức 410-420 USD/tấn, giảm so với mức 415 -425 USD/tấn trong tuần trước đó. Đồng baht Thái được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD, do những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.

Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức từ 374-382 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước do lo ngại về mưa lớn làm ảnh hưởng đến sản lượng. Sản lượng gạo Ấn Độ có thể sẽ được điều chỉnh giảm hơn nữa. Mưa đã làm ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng ở các bang phía Bắc và phía Nam. Lượng mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa gạo ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh. Ấn Độ sẽ chỉ cho phép xuất khẩu gạo tấm ra nước ngoài với khối lượng 397.267 tấn được hỗ trợ bằng thư tín dụng (LC) được phát hành trước ngày 8/9.

Theo các thương nhân Việt Nam, thị trường gạo đang chuyển biến tích cực, lượng khách hàng tìm đến Việt Nam như nguồn cung thay thế nhiều hơn và xu hướng tăng giá vẫn còn tiếp diễn. Trước diễn biến thị trường thuận lợi, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lượng gạo xuất khẩu của năm nay có thể tăng thêm đến 200.000 tấn so với kế hoạch, đạt mức từ 6,3 - 6,5 triệu tấn.

Theo Tổng Cục thống kê, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của nước ta ước đạt 5,443 triệu tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 cả nước xuất khẩu gần 718.100 tấn gạo, tương đương 339,6 triệu USD, giá trung bình 472,9 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 19% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 3,4% so với tháng 7.

Kết quả này tăng mạnh 44,4% về lượng, tăng 40% kim ngạch nhưng giảm 3% về giá so với tháng 8/2021.

Trong kỳ, xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines đạt hơn 309.500 tấn, trị giá 138,2 triệu USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 16,7% kim ngạch so với tháng 7 nhưng tăng 13,4% về lượng, tăng 4% kim ngạch so với tháng 8/2021.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 8 đạt 54.223 tấn, tương đương 26,47 triệu USD, tăng rất mạnh 96% về lượng và tăng 82% kim ngạch so với tháng 7 nhưng so với tháng 8/2021 thì giảm 40,4% về lượng, giảm 30,6% kim ngạch.

Tính chung cả 8 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 4,79 triệu tấn, tương đương trên 2,3 tỷ USD, tăng 20,7% về khối lượng, tăng gần 10% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 486,5 USD/tấn, giảm 9%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc, Bờ Biển Ngà.

Trước những diễn biến tích cực của thị trường gạo thế giới gần đây, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương phối hợp khai thác tốt cơ hội để giúp nông dân tăng thu nhập.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục