Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại

05/04/2022 17:23 GMT+7
Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á đang phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh vào nửa đầu tháng 3 do nguồn cung cao su ở mức thấp. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc vẫn âm thầm đẩy mạnh mua vào cao su...

Nguồn cung ở mức thấp, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại

Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á nửa cuối tháng 3/2022 phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh vào đầu tháng. Tuy nhiên, so với cuối tháng 2/2022, giá cao su vẫn giảm. 

Cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, ngày 28/3/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 4/2022 giao dịch ở mức 257,7 Yên/kg (tương đương 2,07 USD/kg), giảm 1,5% so với cuối tháng 02/2022, nhưng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cao su tại Nhật Bản tăng trở lại do đồng Yên yếu hơn và nguồn cung nguyên liệu thô tại Thái Lan ở mức thấp.

Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại - Ảnh 1.

Nguồn: cf.market-info.jp

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 28/3/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 4/2022 giao dịch ở mức 13.335 NDT/ tấn (tương đương 2,09 USD/kg), giảm 3,3% so với cuối tháng 02/2022 và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại - Ảnh 2.

Nguồn: shfe.com.cn

Tại Thái Lan, ngày 28/3/2022, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 69,01 Baht/kg (tương đương 2,04 USD/kg), giảm 2,9% so với cuối tháng 02/2022, nhưng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Mưa lớn tại Thái Lan đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su, nguồn nguyên liệu thô giảm đã hỗ trợ giá cao su.

Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại - Ảnh 3.

Nguồn: thainr.com

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su hôm nay (5/4) giao kỳ hạn tháng 5/2022 ghi nhận mức 267,0 Yên/kg, tại thời điểm khảo sát vào lúc 15h00 (giờ Việt Nam); các kỳ hạn tháng 4, 7, 8 đều tăng từ 0,04-0,49%.

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE): Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 80 NDT, xuống mức 13.450 NDT/tấn, tương đương 0,59%.

Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại - Ảnh 4.

Cập nhật lúc: 05/04/2022 lúc 15:00:02

Trong nước, sang tháng 4/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 02/2022.

Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại - Ảnh 5.

Giá cao su hôm nay 5/4 tiếp tục tăng tại Nhật Bản. Thị trường ghi nhận sàn châu Á (bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc) đang biến động trái chiều nhau.

Xuất khẩu cao su Việt Nam phục hồi, Trung Quốc vẫn âm thầm tăng mua

Xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng phục hồi trở lại. Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 233 triệu USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 28,2% về trị giá so với tháng 02/2022; so với tháng 3/2021 tăng 15,9% về lượng và tăng 18,6% về trị giá. Giá cao su xuất khẩu bình quân tăng 0,2% so với tháng 02/2022 và tăng 2,3% so với tháng 3/2021, lên mức 1.792 USD/tấn. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 424 nghìn tấn, trị giá 746 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), Latex, SVR3L, SVR10, RSS3, SVRCV60. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 189,24 nghìn tấn, trị giá 329,25 triệu USD, giảm 1,3% về lượng, nhưng tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,6% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 188,52 nghìn tấn, trị giá 327,54 triệu USD, giảm 1,1% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp (HS: 4005), Skim block, SVR3L, SVR10, RSS3... Tuy nhiên, các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. 

Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Về giá xuất khẩu: Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), SVR10, cao su tổng hợp, SVR20, cao su tái sinh, Skim block, SVR5. 

Thực tế, trong những tháng đầu năm, thị trường lớn là Trung Quốc vẫn âm thầm tăng mua cao su. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 2,29 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với kim ngạch 462,06 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022 chiếm 20,2%, giảm so với mức 23,2% của 2 tháng đầu năm 2021.

Nguồn cung thấp, Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh mua vào, giá cao su sẽ phục hồi mạnh trở lại - Ảnh 7.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Về chủng loại nhập khẩu: Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 698,39 triệu USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Indonesia, Lào và Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với kim ngạch 43,83 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 9,5% của 2 tháng đầu năm 2021. 

Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào… Trong đó, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên từ Lào tăng mạnh nhất, tăng tới 16,464% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) của Trung Quốc đạt 1,01 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc với kim ngạch 414,67 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 41,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 47,8% của 2 tháng đầu năm 2021. 

Trong thời gian này, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia; trong khi giảm nhập khẩu từ Indonesia và Philippines so với cùng kỳ năm 2021.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục