Giá cao su hôm nay 1/4: Đà tăng mạnh giữ được bao lâu sẽ phụ thuộc vào điều này
Giá cao su hôm nay 1/4: Giữ đà tăng mạnh được bao lâu phụ thuộc vào điều này
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 1/4/2022, lúc 16h00, kỳ hạn tháng 8/2022, tăng mạnh lên mức 259,4 Yen/kg, tăng mạnh 1,9 Yen, tương đương 0,73%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE): Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 160 NDT, lên mức 13.420 NDT/tấn, tương đương 1,21%.
Giá cao su Nhật Bản tăng liên tiếp, theo xu hướng tăng tại thị trường Thượng Hải, trong khi giá dầu thô giảm không khuyến khích chuyển sang cao su tự nhiên từ cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Giá cao su tự nhiên tại các thị trường chủ chốt kéo dài đà tăng do nhu cầu ổn định từ những người mua số lượng lớn trong nước.
Các thương nhân cho biết, lo ngại về nguồn cung trên thị trường do mùa sản xuất thấp điểm - đã bắt đầu và có thể kéo dài đến tháng 5, đã hỗ trợ thêm cho giá cao su.
Theo các chuyên gia đà tăng của giá cao su kéo đài bao lâu phụ thuộc giá dầu thô biến động tới đây. Dầu thô giảm mạnh từ phiên sáng sau khi phía Mỹ cho biết sẽ cân nhắc mở kho dự trữ chiến lược một lượng lớn tương đương 180 triệu thùng từ tháng 05/2022. Theo dự kiến, trung bình trong vòng 6 tháng, mỗi ngày Mỹ sẽ giải phóng cho thị trường một lượng tương đương 1 triệu thùng dầu.
Tính trong tháng 3, dầu thô WTI vẫn tăng 7,25% trong khi dầu Brent tăng 10,11%. Cả 2 hợp đồng tiêu chuẩn đều duy trì trên mức 100 USD/thùng, với yếu tố hỗ trợ lớn nhất tại vùng giá này là sự tiếp diễn của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giữ ổn định. Tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310- 320 đồng/độ TSC.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 6,09 nghìn tấn, trị giá 11,39 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.870 USD/tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu: Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR10 được xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất, chiếm 25,5% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022. Đứng thứ 2 là chủng loại SVRCV60 chiếm 23,2% và SVR20 chiếm 18,2% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022.
Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022 phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tăng mạnh nhất là cao su tổng hợp, SVR10, SVR20…
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 2 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 84,2 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 177,74 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Hàn Quốc.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, đạt 8,22 nghìn tấn, trị giá 15,31 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 9,8% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng so với mức 8,8% của 2 tháng đầu năm 2021.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su của Thái Lan với 32,28 nghìn tấn, trị giá 57,94 triệu USD, tăng 114,8% về lượng và tăng 114,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su của Thái Lan chiếm 38,3% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng mạnh so với mức 17,8% của 2 tháng đầu năm 2021.
Ngược lại, Hàn Quốc giảm mạnh nhập khẩu cao su từ Indonesia, khiến cho thị phần cao su của Indonesia trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 29,5% trong 2 tháng đầu năm 2021 xuống còn 17,3% trong 2 tháng đầu năm 2022.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 2 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 60 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 109,35 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Philipines là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, với 8,22 nghìn tấn, trị giá 15,3 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 13,7%, giảm so với 14,7% của 2 tháng đầu năm 2021.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 20,64 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 60,26 triệu USD, giảm 30,2% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc 2 tháng đầu năm 2022.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc giảm, trong khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản và Nga lại tăng. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, Việt Nam chưa tham gia cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022.