Nhiều doanh nghiệp kiến nghị tiêm vắc xin cho người lao động

06/06/2021 07:39 GMT+7
Bộ Công Thương đã có công văn số 3150 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động.
 - Ảnh 1.

. (Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ).

Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn số 3150/CV-BCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại hệ thống phân phối bán lẻ để kịp thời bảo vệ người lao động cũng như bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Trước đó, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng có văn bản gửi Bộ Y tế và Bộ Công Thương đề nghị đưa các doanh nghiệp bán lẻ vào nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.

Hiệp hội các nhà Bán lẻ cho rằng, với tính chất công việc đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 là rất cao.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vaccine nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn và tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về việc tự bỏ chi phí để mua vaccine tiêm phòng COVID-19 cho người lao động, ngoài khoản đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp VinCommerce (VCM), thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Công ty đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn và có văn bản gửi Bộ Y Tế, Bộ Công Thương kiến nghị tiêm phòng vaccine cho nhân viên bán lẻ.

Công ty Vincommerce hiện đang sở hữu 122 siêu thị VinMart, 2.500 cửa hàng VinMart+ tại 59 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 22.000 cán bộ, công nhân viên mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng. 

Mặc dù luôn tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của Bộ Y Tế để bảo vệ người tiêu dùng góp phần đẩy lùi đại dịch, nhưng thực tế nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vẫn rất cao.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Masan (công ty mẹ của VinCommerce) cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương và các ban, ngành liên quan về việc sẵn sàng bỏ chi phí để được tạo điều kiện tiêm vaccine cho hơn 40.000 người lao động - những người đang cung cấp các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn này.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các doanh nghiệp thành viên của Vinatex được chi trả tất cả các chi phí cho việc tiêm vaccine đối với 150.000 cán bộ, công nhân viên.

Đai diện Vinatex cho rằng, việc này nhằm gánh vác một cách trực tiếp cho nguồn lực của quốc gia. Các đơn vị của Vinatex ước tính dành từ 100 - 200 tỉ đồng để chuẩn bị cho chương trình mua vaccine.

Tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, ngân hàng, khách sạn, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín… đều là những đối tượng rủi ro cao thuộc diện khai báo y tế bắt buộc. Nếu đã được yêu cầu khai báo y tế bắt buộc thì đương nhiên thuộc diện ưu tiên tiêm vaccine.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, việc doanh nghiệp tài trợ kinh phí đủ để mua hàng trăm nghìn liều vaccine và chỉ mong được tiêm cho mấy trăm nhân viên là nguyện vọng chính đáng và hợp lý.

Theo công văn số 3150/CV-BCT của Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu gồm: siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.

Việc bổ sung nhóm đối tượng này nhằm bảo vệ họ trước nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong mọi tình huống, cấp độ dịch bệnh.

Cùng với đó, công văn cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh tại các địa phương đang có dịch khẩn trương sắp xếp, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu.

Đồng thời, hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine phòng COVID-19, hướng dẫn thủ tục hành chính nhập khẩu vaccine và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.


Mạnh Khánh
Cùng chuyên mục