Nhu cầu mua thực phẩm online tăng mạnh, doanh nghiệp Nhật Bản tranh giành tài xế giao hàng

15/04/2020 17:09 GMT+7
Khi doanh thu giảm mạnh do buộc phải đóng cửa hoặc giảm giờ mở cửa vì đại dịch Covid-19, các chuỗi nhà hàng Nhật Bản đang chuyển dịch dần sang dịch vụ giao hàng tận nhà để cứu vãn một phần lợi nhuận.
Nhu cầu mua thực phẩm online tăng mạnh, doanh nghiệp Nhật Bản tranh giành tài xế giao hàng - Ảnh 1.

Demae-can, một trong những trang web giao hàng thực phẩm lớn nhất Nhật Bản mới đây bắt đầu hợp tác với hãng vận chuyển Sushi Ride On Express Holdings để tăng số lượng tài xế giao hàng

Chikaranomoto Holdings, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng mì ramen Ippudo hôm 13/4 đã hạ dự báo lợi nhuận trong năm tài chính 2020 xuống 680 triệu JPY (khoảng 6 triệu USD) từ mức 1,15 tỷ JPY dự kiến hồi đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công ty này cũng xem xét lại kế hoạch mở rộng thêm 600 nhà hàng từ nay đến năm 2025 trong bối cảnh đại dịch bùng phát làm giảm mạnh nhu cầu ăn uống bên ngoài của người dân. Dự kiến, nhân viên thuộc chuỗi nhà hàng Ippudo sẽ bị giảm lương từ 10-32% trong quý II/2020 do doanh thu và lợi nhuận bán hàng lao dốc.

Chuỗi cửa hàng cà phê lớn của Nhật Bản Doutor Nichires Holdings mới đây vừa công bố báo cáo lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2020, qua đó chứng kiến doanh số tăng 1,5% lên 131,1 tỷ JPY và lợi nhuận tăng 1,4% lên 10,2 tỷ JPY. Nhưng công ty từ chối dự báo doanh thu và lợi nhuận trong năm tài chính tiếp theo do tình hình bất ổn ngày càng tăng vì sự bùng phát đại dịch Covid-19. Tính đến hôm 14/4, Doutor Nichires đã đóng cửa hơn 460 cửa hàng thuộc 2 thương hiệu cafe và giảm giờ mở cửa 380 cửa hàng còn lại.

Yoshinoya Holdings, một chuỗi nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng với các món ăn chế biến từ thịt bò cũng từ chối dự báo tài chính cho năm 2021 trong viễn cảnh bất ổn do đại dịch Covid-19. Công ty này nhận định: “Tâm lý người tiêu dùng suy yếu do yêu cầu hạn chế ra ngoài của chính phủ cũng như quyết định giảm giờ mở cửa các cửa hàng đang tác động lớn đến doanh số bán hàng”.

Giống như Doutor Nichires, chuỗi nhà hàng Yoshinoya đã chứng kiến năm tài chính (tháng 2/2019 - 2/2020) với lợi nhuận ròng tăng đáng kể lên 700 triệu JPY từ mức lỗ 6 tỷ JPY hồi năm 2018. Doanh số bán hàng cũng tăng 6,8% lên 216,2 tỷ JPY nhờ chiến dịch quảng cáo và thực đơn mới hấp dẫn. Mặc dù phần lớn trong số 600 cửa hàng của Yoshinoya ở Trung Quốc hiện đã hoạt động trở lại, doanh số bán hàng vẫn rất thấp do người dân lo sợ dịch bệnh và dùng bữa tại nhà. Các cửa hàng Yoshinoya tại Mỹ và các nước Đông Nam Á hiện chỉ phục vụ giao hàng mang về hoặc giao hàng tận nhà. 

Tại Nhật Bản, hôm 14/4, Yoshinoya đã đóng cửa hơn 200 nhà hàng gồm nhiều thương hiệu khác nhau do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Để bù đắp lợi nhuận giảm mạnh, công ty đang tăng cường dịch vụ giao hàng tận nhà, với khoảng 750 nhà hàng Yoshinoya cung cấp dịch vụ này.

Kushikatsu Tanaka Holdings, chủ sở hữu chuỗi các quán bar bình dân ở Nhật Bản trong tháng này cũng quảng bá dịch vụ cơm hộp buổi trưa và thực đơn đặc biệt để giao hàng tận nhà. Lợi nhuận chuỗi quán bar đã tăng tới 91,5% trong năm tài chính trước đó, nhưng triển vọng doanh thu trong năm tài chính tiếp theo là khá ảm đạm do 41 quán bar tạm đóng cửa từ tháng 2 vì đại dịch. Bảy giám đốc điều hành cấp cao tại Kushikatsu Tanaka sẽ nhận mức lương giảm khoảng 20% trong khoảng tháng 4 - tháng 6 để bù đắp lợi nhuận giảm mạnh của hãng.

Khi các doanh nghiệp nhà hàng, quán bar chuyển sang phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường tuyển dụng lao động shipper cũng đang tăng lên nhanh chóng.

"Hiện tại chúng tôi có đủ nhân viên giao hàng, nhưng chúng tôi không chắc dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu và nhu cầu giao đồ ăn tận nhà sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai. Do đó, chúng tôi sẽ chuẩn bị trước” - ông Kumi Fujimoto, người đại diện cho ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến Demae-can cho hay. 

Demae-can, một trong những trang web giao hàng thực phẩm lớn nhất Nhật Bản mới đây tuyên bố bắt đầu hợp tác với hãng vận chuyển Sushi Ride On Express Holdings để tăng số lượng tài xế giao hàng trong bối cảnh đơn đặt hàng tăng vọt 21% trong tháng 3 lên 3,03 triệu đơn. Công ty cũng tuyển dụng thêm những nhân viên mất việc hoặc bị sa thải do việc đóng cửa các nhà máy, cửa hàng để phục vụ các đơn hàng tăng vọt. Khi đại dịch kết thúc, Demae-can sẽ sa thải các nhân viên tạm thời này để họ quay trở về công việc ban đầu. 

Domino's Pizza Nhật Bản cũng đang có kế hoạch tăng cường nhân viên giao hàng. Công ty đặt mục tiêu phát triển 5.000 nhân viên giao hàng bán thời gian và 200 nhân viên chính thức từ tháng 4 đến tháng 6. Hiện Domino's Pizza có khoảng 600 cửa hàng tại Nhật Bản, nhưng đang có kế hoạch mở rộng lên 1.000 cửa hàng trong tương lai gần.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục