Nhu cầu tiêu thụ giảm, giá lợn hơi khó "ngóc cổ" lên được
Giá lợn hơi đồng loạt đứng yên trên diện rộng
Giá lợn hơi hôm nay (7/2) đồng loạt đứng yên trên diện rộng. Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, hiện nay giá lợn hơi tại trại vẫn dưới giá thành sản xuất.
Trước đó tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơikhông ghi nhận biến động mới và dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất khu vực 53.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên và Bắc Giang. Trong khi đó, 51.000 đồng/kg là mức giao dịch thấp nhất tiếp tục được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Thương lái tại các tỉnh thành còn lại vẫn thu mua lợn hơi với giá không đổi là 52.000 đồng/kg.
Cùng chung xu hướng với thị trường miền Bắc, giá lợn hơi khu vực miền Trung - Tây Nguyên đồng loạt lặng sóng và dao động trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giao dịch cao nhất khu vực là 53.000 đồng/kg hiện vẫn được ghi nhận tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng và Bình Thuận. Mức giá 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh còn lại.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng đứng yên theo xu hướng chung và dao động trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg. Trong đó, heo hơi tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng đang được thu mua ở cùng mức 52.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Ở chiều ngược lại, giá lợn hơi cao nhất là 54.000 đồng/kg tiếp tục được chứng kiến tại Đồng Tháp và Bến Tre. Các tỉnh thành còn lại giữ nguyên giao dịch ở mức 53.000 đồng/kg.
Trong tháng 01/2023, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có xu hướng giảm mạnh so với cuối năm 2022. Ngày 30/01/2023, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 76,15 UScent/lb, giảm 14,2% so với cuối tháng 12/2022 và giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2022,chủ yếu do nhu cầu chậm lại.
Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2023 xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự báo sẽ giảm 2% so với năm 2022, xuống còn 10,5 triệu tấn, do nhập khẩu của Trung Quốc giảm. Trong khi đó, sản xuất và xuất khẩu của Hoa Kỳ được dự báo trái chiều, với sản xuất sẽ tăng 1% vào năm 2023, lên 12,4 triệu tấn nhờ các hoạt động chăn nuôi tăng dần và trọng lượng lợn cũng nặng hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hoa Kỳ được dự báo sẽ giảm trong năm 2023 do nhu cầu của các nhà nhập khẩu chính như Mehico và Trung Quốc giảm. Xuất khẩu thịt lợn của EU cũng sẽ giảm trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc giảm khi đàn lợn nội địa của nước này phục hồi.
Theo USDA sản lượng thịt lợn của Trung Quốc năm 2023 dự kiến sẽ tăng và đạt 52 triệu tấn, thấp hơn mức trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhưng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và triển vọng kinh tế kém lạc quan hơn. Chi phí thức ăn cao dự kiến sẽ làm giảm trọng lượng lợn trung bình trong năm 2023.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2022, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 55,41 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2021, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, giá lợn tại Trung Quốc giảm do nhu cầu ở mức thấp khi các ca nhiễm Covid-19 tăng ở Trung Quốc khiến nhiều người phải ở nhà.
Năm 2023, tiêu thụ thịt của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa sau 3 năm áp dụng chính sách “Zero Covid”. Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt lợn có thể không phục hồi được như trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, do nhiều người vẫn thận trọng với các cuộc tụ họp đông người.
Trong khi đó, sản lượng thịt bò của Trung Quốc năm 2022 cũng tăng 3% so với năm 2021, lên 7,18 triệu tấn; trong khi sản lượng gia cầm tăng 2,6%, lên 24,43 triệu tấn và thịt cừu tăng 2%, lên 5,25 triệu tấn.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 7,4 triệu tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), với trị giá 31,73 tỷ USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Newzeland, Argentina và Úc. Các chủng loại thịt nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu là thịt trâu, bò, thịt lợn và thịt gia cầm.
Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,69 triệu tấn thịt trâu, bò, với trị giá 17,75 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 42,2% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc... Trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc từ các thị trường này đều tăng khá so với năm 2021. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong năm 2022.
Trong khi đó, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2022 giảm so với năm 2021. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,76 triệu tấn thịt lợn, với trị giá 3,89 tỷ USD, giảm 52,6% về lượng và giảm 61,7% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hàn Lan, Hoa Kỳ, Chile... Trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ các thị trường này đều giảm mạnh so với năm 2021. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong năm 2022.
Trong tháng 01/2023, giá lợn hơi và thịt lợn trong nước không có nhiều biến động. So với cuối năm 2022, giá giảm tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, trong khi tăng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam. Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 51.000- 53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam, hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg, tăng từ 1.000- 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022.
Trong quý 1/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm, giá lợn dự báo vẫn ở mức thấp.
Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm khi thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp một số khó khăn như: Căng thẳng kéo dài giữa Nga và U-crai-na ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Trong bối cảnh vaccine chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.