Những chung cư không có tầng hầm, người dân "khốn khổ" tìm chỗ đỗ ô tô

13/08/2019 15:55 GMT+7
Không có chỗ đỗ xe, người dân tại các khu đô thị (KĐT) lớn tại Hà Nội như Nam Trung Yên, Kim Văn – Kim Lũ, Linh Đàm,… phải để ô tô ở bãi rác, các bãi xe lậu với tâm trạng nơm nớp.

Hiện nay, tại các đô thị lớn việc sở hữu một chiếc xe ô tô không còn là câu chuyện riêng của “giới” nhà giàu. Cùng với đó là việc lượng nhập khẩu lớn, giá xe giảm khiến nhiều gia đình đã có điều kiện sở hữu riêng cho mình từ 1 đến 2 chiếc ô tô.
Lượng xe tăng nhưng diện tích không thay đổi, cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi không đáp ứng được nhu cầu đỗ xe khiến bài toán mua xe khó 1 tìm chỗ để khó 10 làm đau đầu nhiều người dân thủ đô.

Khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) được xây dựng trên diện tích 56,4 ha với dân số dự kiến 13.000 người. Được kỳ vọng sẽ là khu đô thị mới hoàn chỉnh, văn minh hiện đại, nằm ở phía tây nam thành phố với quy mô rộng lớn dân số đông đúc.

Tuy nhiên việc các khu chung cư không thiết kế hầm để xe, khiến cư dân và những khách vãng lai thường đỗ ô tô dọc các con đường xung quanh KĐT. Việc xe ô tô đỗ dọc 2 bên đường khiến diện tích mặt đường bị thu hẹp, không gian còn lại chỉ vừa cho một chiếc ô tô 7 chỗ đi qua.

Theo phản ánh của người dân, việc các xe ô tô đỗ dọc 2 bên đường KĐT gây cản trở rất lớn về giao thông. Đặc biệt, trong các khung giờ cao điểm như đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều, tại các đoạn đường có xe ô tô đỗ xung quanh như tại các khu B6B, A6A, A6B và A6C,... chỉ cần có 2 xe ô tô tránh nhau cũng có thể gây ùn ứ.

“Xe ô tô của cư dân được để trong khu vực sân sinh hoạt chung, các xe đỗ dọc đường thường là của khách vãng lai. Tiền gửi xe một tháng khoảng 700 đến 900 nghìn đồng, tuy nhiên, chỗ đỗ cũng không chắc chắn, mình cứ tìm thấy chỗ nào trống thì đỗ thôi.” – Anh Quang, cư dân KĐT Nam Trung Yên phản ánh.

Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ hoạt động từ năm 2014 với 4 tòa: CT11, CT12A, CT12B, CT12C với chủ đầu tư tập là đoàn Mường Thanh. Mỗi tòa có 45 tầng, riêng tòa CT11 cao 40 tầng mỗi tầng có 24 căn hộ, tổng cư dân cho 4 khối nhà cũng khoảng gần 4.000 căn hộ với hàng chục nghìn dân. Tuy nhiên, KĐT lại thiết kế xây dựng chỉ có một hầm gửi xe máy, không có hầm để xe ô tô. Việc các tòa nhà không thiết kế chỗ để ô tô khiến cư dân trong KĐT phải tìm tới các bãi xe “lậu” xung quanh để gửi xe.

Ngày 21 và 22/5/2018, lực lượng liên ngành 197 quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã giải tỏa các bãi gửi ôtô không phép cạnh khu chung cư cao tầng thuộc khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim) và khu đô thị HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt). Việc đóng cửa các bãi trông giữ xe khiến nhiều chủ xe không kịp trở tay, gây náo loạn và thậm chí ùn ứ giao thông trong KĐT.

Nhiều chủ xe tại KĐT Kim Văn – Kim Lũ phải tìm mọi phương án để đỗ xe, từ vỉa hè, lòng đường cho đến cả…bãi rác. Tuy nhiên những điểm đỗ này cũng không cố định, có khi sáng đi, chiều về mất chỗ.

Hiện nay, tình trạng thiếu chỗ để xe ô tô tại KĐT Kim Văn – Kim Lũ đã tạm lắng xuống, các bãi xe xung quanh dần hoạt động trở lại, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn “nơm nớp” không biết lúc nào phải tìm chỗ khác.

KĐT Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) từ lâu đã là điểm nóng về các bãi xe trái phép, tuy nhận được nhiều phản ánh từ báo chí, dư luận nhưng các điểm trông giữ xe không phép vẫn hoạt động. Nguyên nhân sâu xa do việc các tòa chung cư không có tầng hầm khiến người dân thiếu chỗ để ô tô.

12 tòa nhà với khoảng hơn 10.000 hộ nhưng không có hầm để xe ôtô, chỉ có duy nhất 1 tầng hầm để xe máy cho cả vạn cư dân. Các điểm trông giữ tự phát thu phí với giá 5.000 - 10.000 đồng/xe máy/lượt, ôtô được thu theo thời gian từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt và 1 triệu đến 1 triệu 2/tháng.

 

Những chiếc ô tô được để tràn lan, gây mất trật tự giao thông, ảnh hưởng đến khu vực sinh hoạt của người dân.

Theo báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, lượng ôtô nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 gần đạt mức cả năm 2018 (81.787 chiếc). Tuy nhiên, việc hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ xe, thông tin lượng nhập khẩu tăng liệu có phải tín hiệu đáng mừng.

 

Thanh Phong
Cùng chuyên mục