Những ngành nào có công lớn mang về 37,4 tỷ USD cho nông nghiệp 2020?

09/12/2020 06:45 GMT+7
Sự tăng trưởng ấn tượng của lâm sản và lúa gạo đã đưa toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng dương về giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu lúa gạo là điểm sáng 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đã mang về 37,4 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, gạo 2,8 tỷ USD, càphê 2,5 tỷ USD.

Những ngành nào có công lớn mang về 37,4 tỷ USD cho nông nghiệp 2020? - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD.

Đáng chú ý, tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng của năm 2020 đạt gần 28,06 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp tiếp tục tăng cao, đạt hơn 9,3 tỷ USD trong 11 tháng. Điều này không chỉ nhờ xuất khẩu tăng trưởng mà còn vì giảm được nhập khẩu.

Tăng trưởng ấn tượng trong 11 tháng qua phải nhắc đến sự bứt phá của ngành gỗ. Dù phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, 11 tháng 2020 ngành gỗ Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng ấn tượng với giá trị xuất khẩu gỗ và sản phầm đạt 10,88 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2019. Ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đạt trên 1 tỷ USD/tháng.

Bên cạnh đó, nhờ giữ vững các thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. Đặc biệt, trong nhóm các nước nhiệt đới xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất vào thị trường EU, năm 2020 chỉ có Việt Nam giữ vững được giá trị xuất khẩu vào thị trường này.

Đối với ngành thủy sản, xuất khẩu tôm đưa về những thông tin tích cực. Cụ thể, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm trong tháng 11/2020 đạt 418,99 triệu USD, tăng 21,4% so với tháng 11/2019; cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 20,99 triệu USD, tăng 24%; nhuyễn thể đạt 70,15 triệu USD, tăng 15%.

Theo nhận định chung, xuất khẩu tôm đang có nhiều cơ hội tăng thị phần tại hầu hết các thị trường khi nguồn cung tôm của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Bên cạnh các lợi thế đến từ các FTAs và lợi thế do việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 tạo ra tính ổn định trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Những ngành nào có công lớn mang về 37,4 tỷ USD cho nông nghiệp 2020? - Ảnh 2.

Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực

Đáng lưu ý trong bức tranh xuất khẩu của ngành nông nghiệp thời gian qua là ngành hàng lúa gạo. Trong tháng 11/2020, đã xuất khẩu 388 nghìn tấn gạo, đem về 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng lên 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ 2019.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản

Tuy nhiên, bên cạnh những ngành hàng mang về giá trị xuất khẩu cao, nhiều ngành hàng lại đối mặt với khó khăn lớn, thậm chí là sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 11/2020 ước đạt 33 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 11 tháng lên 297 triệu USD, giảm 18,5% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 7,4%; thịt và phụ phẩm dạng thịt động vật giảm 44,6%; giá trị xuất khẩu mật ong đạt tăng 38% so với cùng kỳ 2019.

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11/2020 ước đạt 280 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng lên 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 56,8% thị phần; giảm 26,6% so với cùng kỳ 2019. 

Hầu hết chủng loại sản phẩm rau quả xuất khẩu chính đều chứng kiến sự suy giảm về giá trị xuất khẩu: thanh long vẫn là mặt hàng chiếm thị phần cao nhất với 35,8% tổng giá trị xuất khẩu nhưng giảm 10,3%; chuối chiếm 5,4%, nhưng giảm 13,1%; sầu riêng chiếm 4% nhưng giảm 52,9%; dưa hấu chiếm 1,3% nhưng giảm 36,5% ...

Những ngành nào có công lớn mang về 37,4 tỷ USD cho nông nghiệp 2020? - Ảnh 4.

Bức tranh xuất khẩu thủy sản vẫn nhiều gam màu sáng dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19

Cùng với đó, xuất khẩu cà phê, hạt tiêu, điều nhân, chè… đều ghi nhận giảm mạnh về khối lượng cũng như giá trị xuất khẩu.

Trong tháng cuối năm, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đang phấn đấu đem về thêm hơn 4 tỷ USD để tạo ra mốc mới về xuất khẩu, với 41,5 tỷ USD. Để thực hiện điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản.

Mặt khác, kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm.

Đức Minh
Cùng chuyên mục