Những "quả tạ" đeo bám giá cao su dù nguồn cung thiếu hụt

04/08/2022 17:16 GMT+7
Thị trường cao su vẫn bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu...

Giá cao su ngày 4/8: Giảm mạnh đồng loạt tại các sàn châu Á

Giá cao su ngày 4/8 giảm mạnh tại các sàn chủ chốt châu Á là Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2022 ghi nhận mức 237,5 yen/kg, giảm 0,51%, giảm 1,2 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 11, 12 cũng giảm nhẹ.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2022 đứng ở mức 11.905 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,96%, giảm 115 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm ở tất cả các kỳ hạn tháng 9, 10, 11 và tháng 1/2023 với mức giảm mạnh gần 1%.

Những "quả tạ" đeo bám giá cao su dù nguồn cung thiếu hụt - Ảnh 1.

Thị trường cao su vẫn bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao...

Những "quả tạ" đeo bám giá cao su dù nguồn cung thiếu hụt - Ảnh 2.

GIÁ CAO SU TRỰC TUYẾN SÀN TOCOM, THƯỢNG HẢI, THÁI LAN Cập nhật lúc: 04/08/2022 lúc 16:12:02

Những "quả tạ" đeo bám giá cao su dù nguồn cung thiếu hụt - Ảnh 3.

GIÁ CAO SU TRỰC TUYẾN SÀN TOCOM, THƯỢNG HẢI, THÁI LAN Cập nhật lúc: 04/08/2022 lúc 16:12:02

Trong quý III/2022, thị trường cao su dự báo vẫn bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt trên thế giới đã có biến động mạnh trong quý II/2022, giá có xu hướng tăng mạnh trong 15 ngày đầu tháng 4/2022, sau đó giảm đến hết tháng 5 và phục hồi trở lại trong tháng 6/2022. 

Trong tháng 7/2022, giá có xu hướng giảm, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su đạt đỉnh vào ngày 15/4/2022 ở mức 272,6 Yen/kg, sau đó giảm xuống mức 238 Yen/kg vào ngày 13/5/2022, phục hồi lên mức 262 Yen/kg vào ngày 28/6/2022, sau đó giảm trở lại. Ngày 28/7/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 251,5 Yen/kg (tương đương 1,86 USD/kg), giảm 3,5% so với cuối tháng 6/2022, nhưng tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su liên tục giảm mạnh so với quý I/2022. Sau khi giảm xuống mức 12.345 nhân dân tệ/tấn vào ngày 09/5/2022, giá có xu hướng tăng trở lại trong tháng 5, sau đó quay đầu giảm từ đầu tháng 6/2022 đến ngày 22/7/2022. Giá cao su có xu hướng tăng nhẹ trong mấy phiên cuối tháng 7/2022, nhưng so với cuối tháng 6/2022 vẫn ở mức thấp hơn. Ngày 28/7/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 12.100 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,79 USD/kg), giảm 4,8% so với cuối tháng 6/2022 và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tại Thái Lan, giá cao su biến động mạnh trong quý II/2022. Sau khi giảm xuống mức 67,7 Baht/kg vào ngày 28/4/2022, giá tăng lên mức 73,1 Baht/kg vào ngày 06/6/2022, nhưng sau đó giảm trở lại do nguồn cung cao trong mùa cao điểm khai thác mủ ở Thái Lan. Ngày 28/7/2022, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 61,2 Baht/kg (tương đương 1,67 USD/ kg), giảm 7,4% so với cuối tháng 6/2022, nhưng vẫn cao hơn 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng thị trường cao su tự nhiên dự kiến sẽ cải thiện hơn trong năm 2022. Trong tháng 6/2022, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 1,113 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi tiêu thụ đạt 1,206 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2021. Do đó nguồn cung thiếu hụt khoảng 93 nghìn tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu trong các năm tới.

Trong quý II/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước tại một số tỉnh biến động mạnh, giá có xu hướng tăng mạnh trong tháng 4/2022, sau đó giảm trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra trong tháng 7/2022. 

Hiện nay, tại Bình Phước, giá mủ cao su nước được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 307 đồng/độ TSC, giảm 16 đồng/độ TSC; giá mủ tạp thu mua ở mức 290 đồng/độ DRC, giảm 10 đồng/độ DRC so với cuối tháng 6/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 311-313 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 285- 295 đồng/độ TSC, giảm 10 đồng/độ TSC so với cuối tháng 6/2022. 

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác mủ cao su của toàn Tập đoàn ước đạt 128,6 nghìn tấn, đạt 32,7% kế hoạch và vượt 4% kế hoạch 6 tháng đầu năm; thu mua được khoảng 26 nghìn tấn mủ, đạt 32,4% kế hoạch năm; chế biến được khoảng 142,8 nghìn tấn cao su các loại, đạt 30,3% kế hoạch; tiêu thụ khoảng 172 nghìn tấn, đạt 36,1% kế hoạch, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện diện tích cao su Tập đoàn đang quản lý gần 402.650 ha (trong nước hơn 288.101 ha; tại Campuchia hơn 87.891 ha và tại Lào hơn 26.657 ha). Trong đó, diện tích cao su kinh doanh gần 259.000 ha, kiến thiết cơ bản là 120.000 ha, diện tích tái canh năm 2021 gần 6.500 ha.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 380,33 nghìn tấn, trị giá 646,38 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý II/2022 tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu tăng.

Về thị trường xuất khẩu: Trong quý II/2022, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 87,5% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Quý II/2022, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 335,25 nghìn tấn, trị giá 565,4 triệu USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Những "quả tạ" đeo bám giá cao su dù nguồn cung thiếu hụt - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Những "quả tạ" đeo bám giá cao su dù nguồn cung thiếu hụt - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Nhìn chung, trong quý II/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 256,09 nghìn tấn, trị giá 416,08 triệu USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 26,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 64,4% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 28,06 nghìn tấn, trị giá 50,89 triệu USD, tăng 93% về lượng và tăng 91,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 7,9% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý II/2022.

Về chủng loại xuất khẩu: Trong quý II/2022, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng trưởng tốt so với so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,4% tổng trị giá cao su xuất khẩu của cả nước, với 197,04 nghìn tấn, trị giá 333,38 triệu USD, tăng 13,6% về lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,9% tổng trị giá hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 196,87 nghìn tấn, trị giá 322,96 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá xuất khẩu: Trong quý II/2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: SVR 20 tăng 4,3%; Cao su hỗn hợp (HS 4005) tăng 14,8%; Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) tăng 1,3%; SVR 10 tăng 1,4%... Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại có xu hướng giảm như: SVR 3L giảm 5,8%; SVR CV60 giảm 7,8%; RSS3 giảm 5,5%; SVR CV50 giảm 6,5%; RSS1 giảm 11,9%...

Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), diện tích cao su của Việt Nam hiện đạt gần 939.000 ha; trong đó, phần diện tích tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.

So với nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia sau khi phục hồi kinh tế, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn trong năm 2021, trong khi nhu cầu của toàn thế giới là hơn 14 triệu tấn.

Như vậy nguồn nguyên liệu cao su bị thiếu lên tới khoảng 200.000 tấn. Nguồn cung cao su toàn cầu đang tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu và sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn, VRG dự báo.

Để ngành cao su Việt Nam tiếp bước phát triển, trong 6 tháng đầu năm nay, nguồn nguyên liệu cao su, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cao su bền vững luôn được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su chú trọng.

Với những cảnh báo nguồn cũng cao su đang thiếu hụt, thì nguồn nguyên liệu chính là trọng tâm của sản xuất và xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm của ngành cao su Việt Nam.

Để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD như đã đề ra cho năm nay, các doanh nghiệp trong ngành cao su cần tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu. Ngành cao su cũng sẽ phải chống chịu và vượt qua được các "quả tạ" đeo bám như tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm...

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục