Niên vụ 2022-2023: Mía đường Sơn La (SLS) lên kế hoạch lãi 75,3 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 30%

31/08/2022 17:55 GMT+7
Năm 2022-2023, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.110,7 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 75,3 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện niên vụ trước đó.

Công ty CP Mía đường Sơn La (HNX: SLS) vừa thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 21/9/2022.

Niên vụ 2021 -2022, doanh thu Mía đường Sơn La ghi nhận đạt 885,1 tỷ đồng, thực hiện được 85,35% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 187,6 tỷ đồng, thực hiện được 250,2% kế hoạch. Chia cổ tức năm 2021 dự kiến bằng tiền tối thiểu tỷ lệ 30% hoặc tỷ lệ khác do ĐHĐCĐ quyết định.

Trước đó, năm 2020-2021, Mía đường Sơn La chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 80%.

Công ty cho biết, niên vụ qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, sản xuất và tiêu dùng bị đình trệ, giao thương buôn bán hết sức khó khăn, vì vậy sản lượng tồn kho tăng cao dẫn đến doanh thu không đạt kế hoạch. 

Tuy nhiên, tốc độ giảm chi phí lớn hơn giảm doanh thu vì vậy lợi nhuận được nâng lên. Công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ năm 2021 là 150,2%.

Theo tài liệu họp cổ đông, năm 2022-2023, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.110,7 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 75,3 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện niên vụ trước đó.

Về chia cổ tức, năm 2022-2023, SLS dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 31/8, cổ phiếu SLS tăng 600 đồng lên 153.100 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La tiền thân là Nhà máy Đường trực thuộc Nông trường quốc doanh Tô Hiệu Sơn La quản lý, được khởi công xây dựng ngày 16/9/1995. Ngày 13/09/2012 cổ phiếu của Công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và chính thức giao dịch ngày 16/10/2012 với mã chứng khoán là SLS.

Kỳ vọng giá đường tăng trong nửa cuối năm 2022

Bộ Công Thương mới đây đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (Quyết định 1514/QĐ-BCT) đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar). Thời gian triển khai từ 8/8/2022 đến ngày 15/6/2026.

Đường Thái Lan sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Như vậy, tổng mức thuế là 47,64%, áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đường từ 5 nước này mà có sử dụng đường nguyên liệu xuất xứ từ Thái Lan.

Tại Báo cáo ngành đường, công bố ngày 21/07/2022, CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dẫn số liệu cho biết niên vụ 2020-2021 là niên vụ có sản lượng mía sản xuất ra thấp nhất trong 20 năm qua. Trong số 41 nhà máy thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động. Tại một số địa phương, người dân bỏ mía, không chăm, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm.

Nguyên nhân, ngoài yếu tố thời tiết thì do giá đường các vụ trước đó xuống thấp vì sự cạnh tranh quyết liệt của đường giá rẻ từ Thái Lan và đường nhập lậu, gian lận thương mại.

Cùng quan điểm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định giá đường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nỗ lực chống gian lận thương mại và đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả, giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Ngược lại, nếu việc kiểm soát đường nhập lậu không hiệu quả, giá đường sẽ tiếp tục giảm dưới giá thành sản xuất đường từ mía và dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Theo VSSA, mặc dù từ đầu năm đến nay, giá đường trong nước có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao trong vòng 5 năm qua (giá đường tại các nhà máy ở mức 17.250-17.700 đồng/kg).

VSSA kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới. Theo đó, giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.



A.Vũ
Cùng chuyên mục