Nợ lương 15 ngày 'ông chủ' phải đền tiền người lao động
Vợ, hoặc chồng có thể lĩnh lương thay
Hôm nay (16/12), Văn phòng Chủ tịch nước sẽ họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Một trong những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của đa số người dân là Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua.
Bộ luật Lao động mới quy định, người sử dụng lao động phải xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động. Ngoài ra thang, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Về nguyên tắc trả lương, luật quy định người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp. Như vậy, trong trường hợp này có thể hiểu, chồng (hoặc vợ), bố mẹ (hoặc con cái) có thể ủy quyền cho nhau để nhận lương thay.
Bộ Luật cũng quy định rõ, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Không nợ lương quá 30 ngày
Điểm đáng lưu ý khác về kỳ hạn trả lương, Bộ luật quy định người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương ngay sau khi kết thúc thời gian làm việc, hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì “ông chủ” phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng.
Ngược lại, người lao động được phép tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi. Tuy nhiên đối với người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
Bộ Luật lao động mới cũng quy định rất rõ về chế độ tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm mà người lao động được hưởng. Cụ thể, nếu làm thêm giờ vào ngày thường, được hưởng ít nhất 150%, vào ngày nghỉ hàng tuần bằng ít nhất 200%, còn vào ngày lễ, tết người lao động phải được hưởng tối thiểu 300%.
Trường hợp làm việc vào ban đêm, người lao động được trả thêm ít nhất bằng 30% lương; nếu làm thêm giờ vào ban đêm được cộng thêm 20% lương, ngoài những khoản được hưởng trên. Bộ Luật Lao động chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021, với nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết.