Nợ quốc gia toàn cầu vượt 250.000 tỷ USD, Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu mức tăng
Báo cáo được IIF công bố chỉ ra rằng nợ toàn cầu đã tăng 7.500 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019, lên 250.900 tỷ USD, một con số khổng lồ. Cũng theo ước tính của cơ quan này, nợ toàn cầu sẽ vượt 255 tỷ USD vào cuối năm nay.
Trong số 7.500 tỷ nợ tăng trưởng, nợ của Mỹ và Trung Quốc chiếm tới 60%. Trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm nay, các nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng đã khiến nợ quốc gia Mỹ và Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ. IIF cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất để nới lỏng chính sách tiền tệ trên nhiều quốc gia có nợ chính phủ cao như Ý, Lebanon hoặc nợ chính phủ tăng nhanh như Argentina, Nam Phi, Brazil… sẽ khiến các công cụ tài khóa giảm đi hiệu quả.
Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu toàn cầu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ cũng là nguyên nhân lớn thúc đẩy mức nợ gia tăng trong toàn nền kinh tế. IIF ước tính từ năm 2009 đến nay, tròn 10 năm qua, quy mô thị trường trái phiếu đã tăng từ 87.000 tỷ USD lên hơn 115.000 tỷ USD, với thị trường trái phiếu chính phủ tăng từ 40% lên 47%. Trong bối cảnh bất ổn thương mại và các rủi ro địa chính trị tăng cường như thương chiến Mỹ Trung hay Brexit, trái phiếu chính phủ được xem là một tài sản an toàn thu hút vô số nhà đầu tư lựa chọn.
Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF hồi tháng trước cũng nhấn mạnh các cảnh báo về rủi ro nợ công cao vốn đang bị trầm trọng thêm bởi hàng loạt chính sách cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng Trung Ương trong bối cảnh kinh tế giảm tốc. IMF cảnh báo khoảng 40% nợ công ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha - tương đương 19.000 tỷ USD có nguy cơ vỡ nợ trong trường hợp kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Trái với cảnh báo của các tổ chức, các ngân hàng Trung Ương lại tỏ ra không mấy lo lắng với những khoản nợ quốc gia tăng nhanh chóng này. Hôm 14/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ông chưa thấy dấu hiệu nguy hiểm nào từ các khoản nợ hàng nghìn tỷ USD. “Nếu bạn nhìn vào nền kinh tế hôm nay, không có rủi ro gì có nguy cơ bùng nổ dẫn tới suy thoái” - Jerome Powell nhận định trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ. “Nói cách khác, đó là một bức tranh khá bền vững”. Điều này trái ngược hoàn toàn với cảnh báo của IIF về viễn cảnh tổng nợ Chính phủ tăng từ 65.700 tỷ USD năm 2018 lên 70.000 tỷ USD trong năm 2020 do sự gia tăng đột biến của nợ chính phủ Mỹ.