Nông sản chế biến sâu ngày càng thu hút những tập đoàn, công ty lớn

26/10/2020 12:16 GMT+7
Những nhà đầu tư đổ tiền vào nông nghiệp công nghệ cao như Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và đầu tư Biển Đông...
Nông sản chế biến sâu ngày càng thu hút những tập đoàn, công ty lớn - Ảnh 1.

Nhiều nông sản xuất khẩu vẫn có kim ngạch trên 1 tỷ USD

Báo cáo của Chính phủ mới đây cho biết, tình hình cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đã có những kết quả khả quan. Ngành nông nghiệp, trong đó nông sản tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành năm 2017 đạt 2,9%; năm 2018 đạt 3,8%; năm 2019 đạt 2,01%. Kim ngạch hàng nông lâm thủy sản (NLTS) xuất khẩu năm 2018 đạt 29,2 tỷ USD, năm 2019 ước đạt 29,7 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 1,19%; kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 13,7 tỷ USD, giảm 3,5% (giảm 498 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó vẫn có nhiều mặt hàng vẫn giữ kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và gỗ).

Đáng chú ý, đến hết năm 2017, đã thực hiện sắp xếp, đổi mới 100% DNNN, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh đã hoàn thành thẩm định phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và trình Thủ tướng Chính phủ tại 41/41 địa phương, đơn vị, trong đó 40 phương án đã được phê duyệt ; 252/254 mô hình sắp xếp được phê duyệt.

Theo báo cáo, doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2016 cả nước có 4.600 doanh nghiệp nông nghiệp, năm 2017 tăng lên 5.700; năm 2018, có 8.420 doanh nghiệp nông nghiệp, đến 31/12/2019 là 10.085 doanh nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm 2020 có thêm 1.095 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm trên 93%), một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và đầu tư Biển Đông.

Chế biến sâu thu hút nhiều doanh nghiệp lớn

Cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh NLTS, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015. Một số doanh nghiệp đầu tư vốn lớn vào chế biến NLTS. Số lượng nhà máy/cơ sở chế biến NLTS lớn khởi công mới, đi vào hoạt động 5 năm 2016 - 2020 là 49 nhà máy/cơ sở với tổng mức đầu tư 41.425 tỷ đồng.

Nông sản chế biến sâu ngày càng thu hút những tập đoàn, công ty lớn - Ảnh 3.

Hơn 7.500 cơ sở chế biến NLTS có quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015; 86,2% số xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản, 73,7% số xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản, 7,4% số xã có cơ sở chuyên chế biến thủy sản.

Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến NLTS năm 2019 đạt 9,19%, cao hơn mức tăng 8,8% của năm 2015. Sản phẩm NLTS qua chế biến tăng, đa dạng hơn từ rau quả, cây công nghiệp, lương thực thực phẩm, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ..., so với năm 2015 mới chủ yếu chế biến rau quả xuất khẩu.

Theo đánh giá, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, tăng mạnh tỷ trọng hàng chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao như: Chế biến cà phê hòa tan tăng 2,5 lần; trên 80% tổng lượng gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao; thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao đạt 50% tổng sản lượng... Nhờ đó, giá trị tăng thêm chuỗi giá trị sản phẩm qua chế biến đạt 15,3%.

Đáng chú ý, bên cạnh sự phát triển của các cơ sở, nhà máy chế biến thì thị trường tiêu thụ hàng NLTS được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế. NLTS Việt Nam đã xuất khẩu đến 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều mặt hàng nông sản đã bước đầu thâm nhập vào được các thị trường khó tính, như vải tươi xuất khẩu sang Nhật Bản, dâu tây và bí ngô vào New Zealand,… 

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 32,18 tỷ USD năm 2016 lên 40,55 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 ước đạt 42 tỷ USD. Năng lực cạnh tranh, uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo báo cáo của Chính phủ, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Quá trình cơ cấu lại diễn ra chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa vững chắc.

Cùng với đó, năng suất lao động, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản Việt Nam còn thấp, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc - mặc dù thị phần của thị trường Trung Quốc đã giảm trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 22,6% so với tỷ trọng 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2019.

Đức Minh
Cùng chuyên mục