Nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, giá nước đóng chai ở Hà Nội tăng bất thường

17/10/2019 06:27 GMT+7
Mấy ngày qua, do nước sạch sông Đà bị ô nhiễm bởi dầu thải nên người dân thay vì dùng nước máy như thường ngày đã chuyển sang mua nước đóng chai về nấu ăn khiến mặt hàng tăng giá bất hợp lý.

Ngày 16/10, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị này vừa ra công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội về việc ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng nước đóng chai, đóng bình trước thông tin nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm bởi dầu thải, có mùi khét ở TP Hà Nội, người dân phải mua nước bình về sử dụng.

Hỏa tốc ngăn việc tăng giá nước đóng chai ở Hà Nội - Ảnh 1.

Nước đóng chai là một trong những mặt hàng bán chạy nhất tại Hà Nội những ngày qua.

Trong công văn Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng nước đóng chai, đóng bình lợi dụng tình hình hiện nay để tăng giá bán bất hợp lý nhằm trục lợi, làm lũng đoạn thị trường.

Cùng với đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ cần kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa nói chung và mặt hàng thực phẩm nói riêng. Các vi phạm phải được xử lý nghiêm và công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, nhiều ngày qua, người dân tại một số khu vực trên địa bàn thủ đô phát hiện nước sinh hoạt có mùi khét nồng nặc. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm về chất lượng nguồn nước nơi mình sinh sống, nhiều gia đình đã chuyển sang mua nước đóng bình về sử dụng nấu nướng thay vì dùng nước máy như trước.

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... 

Ngày 15/10, gần 1 tuần sau khi nước sạch sinh hoạt ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…có mùi lạ, UBND TP Hà Nội mới chính thức lên tiếng, công bố các kết quả xét nghiệm nước.

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết kết quả kiểm tra của đoàn công tác xác định, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm.

Dầu thải đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). Doanh nghiệp này đã phát hiện ra sự việc nhưng đã không báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như TP Hà Nội.

Theo ông Lê Văn Dục, kết quả cho thấy các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi "khét" có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN)"- ông Dục thông tin.

UBND TP Hà Nội cũng khuyến cáo, trong thời gian trước mắt, khi Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) chưa súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân có sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.

An Vũ
Cùng chuyên mục