Ông chủ Farmtech và những trăn trở về một mạng xã hội nhà nông tích hợp

12/10/2020 11:41 GMT+7
Sản phẩm mà Farmtech mang đến là một mạng xã hội nhà nông tích hợp các thiết bị giám sát trang trại từ kiểm tra tình trạng đất, tình trạng nước, giám sát nhà nuôi trồng... có tên là Fman.

Đỗ Trần Anh (sinh năm 1980, quê tỉnh Phú Yên) là một kĩ sư sáng tạo kĩ thuật, nổi tiếng với các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Năm 2011, Đỗ Trần Anh tốt nghiệp thạc sỹ khoa học ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Năm 2006 ông tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Đại học Khoa Học Huế.

Ông Đỗ Trần Anh từng đạt giải thưởng Nhân Tài Đất Việt 2016, Giải nhất IoT Startup 2017,Giải thưởng Sao Khuê 2016 và là người chiến thắng trong tập 13 mùa 1 của chương trình Thương vụ bạc tỷ.

Ông Đỗ Trần Anh là một trong những người trẻ tiên phong về khởi nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa. Ông là tác giả sản phẩm Hệ thống mạng giám sát môi trường nông nghiệp ngư nghiệp AEVISOR làm tiền đề cho việc ứng dụng IOT trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Đỗ Trần Anh làm rất nhiều việc khác nhau từ công chức, giảng viên đến nhân viên làm thuê cho công ty nước ngoài.

Những năm tháng làm việc cho một công ty tại Na Uy chuyên về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã giúp Trần Anh nhận ra nhiều nhược điểm của nền nông nghiệp nước nhà.

Hiện tại, Đỗ Trần Anh đang là Chủ tịch HĐQT Farmtech Vietnam.

Ông chủ Farmtech và những trăn trở về một mạng xã hội nhà nông tích hợp - Ảnh 1.

Ông Đỗ Trần Anh - nhà sáng lập kiêm CEO Farmtech. Ảnh: Viettonkin

Trên tờ Thanh Niên, Đỗ Trần Anh lý giải nguyên nhân quay về Việt Nam để khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao: "Thị trường nông nghiệp của ta rất lớn với 3.000 doanh nghiệp, 20.000 trang trại, 24 triệu người VN sống nhờ nông nghiệp. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của ta lại là nền nông nghiệp với nhiều nhược điểm. Nông dân không biết tin vào ai, không kiểm soát được môi trường nuôi, công nghệ quản lý thì lạc hậu, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao đều nhập khẩu với giá cao. Để can thiệp và khắc phục các nhược điểm đó, chúng tôi thành lập dự án AEVISOR - giải pháp mạng xã hội nhà nông kết hợp thiết bị giám sát môi trường ứng dụng IoT".

Dự án mà Trần Anh cùng đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu nhằm thay đổi tư duy canh tác nhà nông, giảm thiểu được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do thiếu kiến thức canh tác và thay thế các thiết bị công nghệ cao nhập khẩu đắt tiền bằng thiết bị sản xuất tại VN.

Trong suốt nhiều năm nghiên cứu và mày mò, hiện dự án đã thành công bước đầu với hệ thống mạng xã hội nhà nông Fman và 4 sản phẩm IoT phù hợp thị trường nông nghiệp VN.

Với hệ thống này, bà con nông dân có thể đọc tin tức đúng theo từng cây trồng, vật nuôi; nội dung được các chuyên gia cây trồng kiểm duyệt; kết nối trực tiếp giữa mạng xã hội Fman và thiết bị IoT; chia sẻ thông tin môi trường để các chuyên gia phân tích.

Hệ thống mạng xã hội nhà nông kết hợp thiết bị giám sát môi trường ứng dụng IoT bao gồm các sản phẩm như phần mềm mạng xã hội nhà nông (Fman), thiết bị giám sát môi trường nước, thiết bị giám sát môi trường đất và không khí, thiết bị điều khiển mở rộng.

Ông chủ Farmtech và những trăn trở về một mạng xã hội nhà nông tích hợp - Ảnh 2.

Hệ thống giám sát môi trường của Farmtech.

"Tôi từng có thời gian làm việc ở Na Uy, và trở về Việt Nam làm cho nhà máy ở Na Uy chuyên về lĩnh vực nông nghiệp (từ 2012 – 2015). Tôi thấy ở các nước Châu Âu, người ta sản xuất và ứng dụng được các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nông nghiệp rất hay, hiệu quả. Còn ở Việt Nam, thì người nông dân nuôi trồng thủy sản mình vẫn cứ vất vả. Bởi nhà nông mình vẫn theo dõi môi trường nuôi trồng theo kiểu thủ công, cảm tính. Người nuôi trồng thủy sản chưa quan tâm tới các chỉ số như độ đục của nước, các thành phần hữu cơ, tức các thành phần hòa tan của thức ăn công nghiệp trong nước; chưa quan tâm thường xuyên tới các chỉ số môi trường ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra sản phẩm và năng suất. Việc tham khảo ý kiến chuyên gia nông nghiệp hầu như chỉ thực hiện khi cá, tôm bị bệnh hay sự đã rồi.

Nếu nhập khẩu sản phẩm công nghệ của châu Âu thì giá thành rất cao cho một hệ thống đơn giản (đã từng có doanh nghiệp đầu tư 300 triệu đồng cho việc đo Oxy hòa tan và nhiệt độ nước), người nông dân mình khó với tới. Theo tôi, sản nhập khẩu châu Âu giá thành cao vì họ không tận dụng hạ tầng công nghệ ở công ty họ, mà bắt người tiêu dùng phải mua các thiết bị đi kèm. Nếu như mình làm được việc tập trung hạ tầng công nghệ về một chỗ thì giá thành sản phẩm sẽ không đắt như thế. Ví dụ thay vì đặt một server (máy chủ) chạy cho một cái ao; thì bây giờ server đó sẽ đặt tại trụ sở Farmtech và chạy cho 1.000 cái ao thì chúng tôi chỉ đầu tư có một lần thì đỡ tốn kém hơn

Tôi đã ấp ủ ý tưởng từ những điều trông thấy nay, tôi và những người đồng chí hướng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình, thành lập Farmtech tại thành phố Nha Trang quê hương mình. Farmtech khởi nghiệp năm 2015 với các dự án thiết kế mới hoàn toàn các hệ thống, giải pháp và thiết bị giám sát môi trường, thiết bị phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống mạng giám sát môi trường nông nghiệp và ngư nghiệp có thể nói là sản phẩm khởi nghiệp của Farmtech", ông Đỗ Trần Anh chia sẻ.

Được biết, Farmtech đã sản xuất sản phẩm trọn gói đến tay người dùng bao gồm: bộ 5 cảm biến (Oxy trong nước, nhiệt độ, độ PH, độ dẫn điện, chỉ số ô xy hóa khử), bộ nhận dữ liệu, bộ thu thập dữ liệu, phần mềm quản lý chạy trên mọi hệ điều hành.

“Cái lợi thế mà chúng tôi có được là độ bền sản phẩm được thiết kế phù hợp với môi trường khắc nghiệt. Ngoài ra sản phẩm chúng tôi thiết kế với tiêu chí cắm và chạy nên không có bất kì nút bấm hay điểu khiển nào trên máy, việc này cực kì quan trọng vì nó ảnh hưởng tới cách dùng của nhà nông, nông dân rất ngại việc điều khiển phức tạp”, ông Đỗ Trần Anh chia sẻ.


Mai Lan
Cùng chuyên mục