Ông Tập tiết lộ kế hoạch lập sàn chứng khoán mới, tham vọng đưa Bắc Kinh thành trung tâm tài chính toàn cầu
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 2/9, ông Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch lập một sàn giao dịch chứng khoán mới tại Bắc Kinh nhằm tạo sân chơi mới cho các doanh nghiệp có "định hướng dịch vụ" và "đổi mới". Dù vậy, ông Tập không nói rõ thời gian chính thức thành lập sàn giao dịch mới này.
Hiện Trung Quốc đại lục có hai sàn giao dịch chứng khoán nằm ở Thượng Hải và Thâm Quyến, cách xa Bắc Kinh. Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, được thành lập vào năm 1990, là nơi niêm yết của hầu hết các công ty vốn hóa lớn và lâu đời, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và các công ty năng lượng. Trong khi đó, sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến bao gồm nhiều ông lớn công nghệ hoặc các công ty có quy mô vừa và nhỏ.
Ngoài ra còn có sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong nhưng sàn này không chịu sự kiểm soát vốn của chính phủ Bắc Kinh.
Đây cũng là lần thứ hai Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân công bố một sáng kiến liên quan đến thị trường chứng khoán. Vào năm 2018, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, ông Tập đã công bố việc thành lập sàn giao dịch công nghệ STAR Market tại Thượng Hải. Sàn STAR là một phiên bản khác tương tự sàn giao dịch công nghệ Nasdaq của Mỹ mà chính phủ Bắc Kinh kỳ vọng sẽ giúp thu hút các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại quê nhà, qua đó giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh công nghệ với phương Tây. Hiện nay, có khoảng hơn 300 công ty công nghệ Trung Quốc đã niêm yết trên sàn STAR với tổng vốn hóa thị trường hơn 4,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (728 tỷ USD).
Việc Bắc Kinh tuyên bố mở thêm một sàn giao dịch chứng khoán mới diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định trong hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục. Trong suốt năm qua, Bắc Kinh đã hướng tầm ngắm đến các ông lớn công nghệ trong nước nhằm kiềm chế quyền lực và tầm ảnh hưởng của những “đế chế” nắm trong tay dữ liệu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng.
Trên thị trường quốc tế, các công ty Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rào cản quy định, nhất là tại thị trường vốn lớn nhất hành tinh là Mỹ. Các cơ quan quản lý của Mỹ đã tăng cường giám sát các đợt IPO của Trung Quốc và yêu cầu các doanh nghiệp này phải làm rõ những rủi ro tiềm ẩn. Gần đây, tờ CNBC đưa tin Ủy ban Bảo vệ Nhà đầu tư, Doanh nhân và Thị trường Vốn thuộc Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ tổ chức một phiên điều trần vào ngày 22/9 tới nhằm thảo luận về rủi ro đối với các nhà đầu tư cá nhân cũng như an ninh quốc gia Mỹ khi các công ty nước ngoài niêm yết trên thị trường Mỹ. Phiên điều trần diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về việc Bắc Kinh thắt chặt quản lý các doanh nghiệp Trung Quốc có ý định niêm yết tại Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường hàng loạt động thái siết quy định pháp lý trên hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ đến tài chính và giáo dục. Một chiến dịch siết chặt gần đây của Bắc Kinh đã khiến giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ sụt giảm mạnh, gây tổn thương cho nhà đầu tư.
Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng cảnh báo nhà đầu tư về hàng loạt rủi ro khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Gary Gensler, chủ tịch SEC, đã yêu cầu nhân viên “tạm dừng ngay lập tức” việc phê duyệt các đợt IPO của công ty Trung Quốc tại Mỹ thông qua mô hình sáp nhập với các công ty séc trắng (SPAC).
Chính các nhà chức trách Trung Quốc cũng được cho là đang tìm cách hạn chế và siết chặt quy định với các doanh nghiệp trong nước muốn IPO ở nước ngoài do quan ngại bảo mật dữ liệu gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Cụ thể, theo tờ Wall Street Journal, các nhà quản lý Trung Quốc đang nhắm mục tiêu cụ thể đến những công ty công nghệ nắm giữ lượng data người dùng khổng lồ. Với việc ban hành các quy định mới, những công ty này có thể bị hạn chế niêm yết tại Mỹ. Trong khi đó, với những lĩnh vực ít nắm giữ dữ liệu như dược phẩm, quá trình niêm yết công khai lần đầu (IPO) vẫn sẽ diễn ra bình thường.