OPEC+ đạt thỏa thuận, giá dầu vẫn “lao dốc”

10/04/2020 16:45 GMT+7
Mặc dù vào cuộc họp OPEC+ vào ngày hôm qua (9/4), các nước đã đồng ý cắt giảm sản lượng xuống mức 10 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, đến hôm nay (10/4), giá dầu thế giới vẫn ghi nhận mức giảm trên dưới 2 USD/thùng.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 10/4 (giờ Việt Nam) giá dầu bất ngờ lao dốc sau khi liên tục tăng. Theo đó, dầu thô WTI đã giảm 2,33 USD/thùng tương ứng 9,29% xuống mức 22,76 USD/thùng, trái ngược với trước đó trong phiên giao dịch đã tăng hơn 12% đưa lên mức giá cao nhất là 28,36 USD/thùng.

Ngoài ra, dầu thô Brent giảm 1,36 USD/thùng tương ứng 4,14% xuống mức 31,48 USD/thùng, sau khi trước đó chạm mức cao 36,40 USD/thùng.

Mức giảm nêu trên khiến giới chuyên môn không khỏi bất ngờ. Nguyên nhân là do tại cuộc họp vào hôm qua (9/4), OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng với mức 10 triệu thùng/ngày. Động thái này được cho là do tác động của đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu đối với dầu thô. Bên cạnh đó, thỏa thuận được đưa ra cùng với một số thảo luận về chính sách sản xuất trong bối cảnh giá dầu giảm sâu.

OPEC+ đạt thỏa thuận, giá dầu vẫn “lao dốc” - Ảnh 1.

Giá dầu thô WTI xuống mức 22,76 USD/thùng trong ngày 10/4.

Được biết, các Tập đoàn sẽ cắt giảm 10 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6. Sau đó, giảm xuống 8 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7 đến cuối năm và 6 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 1/2021 và kéo dài đến tháng 4/2022.

Theo đó, thỏa thuận này không áp dụng vào các quốc gia ngoài OPEC+. Do đó, đây sẽ không phải một quy định để Ả Rập Xê Út và Nga hạn chế sản xuất như nhiều nhận định trước đó. Tuy nhiên, nhóm này đã kêu gọi các nhà sản xuất khác, như Mỹ, cắt giảm sản lượng thêm 5 triệu thùng mỗi ngày.

"Mặc dù cắt giảm 10 triệu thùng mỗi ngày sẽ giúp thị trường trong thời gian ngắn không xẩy ra hiện trường "không đủ nơi chứa dầu", nhưng đó là một sự phát triển đáng thất vọng đối với nhiều người bởi dù thế nào thì thực tế chúng ta vẫn đang đối diện với tình trạng dư cung dầu trong thời gian dài", CNN dẫn lời người đứng đầu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, Bjornar Tonhaugen.

CNN cũng thông tin thêm, mặc dù sản lượng cắt giảm là một con số kỷ lục từ trước đến nay, song giá dầu bất ngờ quay đầu giảm cho thấy các nhà đầu tư lo ngại rằng nó vẫn không đủ để chống lại sự mất mát chưa từng có từ đại dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, trong phiên điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu ngày 29/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định, xăng RON 95 - III giảm 4.252 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 4.100 đồng/lít. Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.956 đồng/lít và 12.560 đồng/lít với xăng RON 95.

Cũng trong kỳ điều chỉnh ngày 29/3, giá các loại dầu đều được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, dầu diesel giảm 1.776 đồng/lít; dầu hỏa giảm 2.705 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.048 đồng/kg.

Sau khi giảm, giá tối đa với mặt hàng dầu diesel là 11.259 đồng/lít; dầu hỏa là 9.141 đồng/lít và dầu mazut là 9.453 đồng/kg.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục