Ớt lại rơi tình trạng “sáng một giá, chiều một giá”, nông dân khóc ròng

30/05/2020 09:49 GMT+7
Mới đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh, thậm chí có lúc chỉ bằng 1/5 cùng kỳ năm ngoái khiến người trồng ớt lao đao.

Thời điểm cuối tháng 5, người dân ở hai huyện Chi Lăng và Lộc Bình (Lạng Sơn) bắt đầu vào vụ thu hoạch ớt.

Nếu như năm ngoái, giá ớt dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 20.000 đồng/kg đối với ớt loại 1 (ớt xuất khẩu), còn loại 2 chỉ khoảng 7.000 đồng/kg.

Với mức giá như trên, trừ các loại chi phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công chăm sóc, thu hái… người trồng ớt không những không có lãi mà còn có khả năng lỗ nặng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Lạng Sơn, năm 2020, diện tích gieo trồng ớt toàn tỉnh là 1.389 ha, tăng gần gấp đôi so năm 2019, cao nhất từ trước đến nay. Riêng huyện Chi Lăng có diện tích trồng ớt là 826 ha, tăng 326 ha so với năm 2019, huyện Lộc Bình 298 ha, tăng trên 100 ha. Tuy nhiên, mới đầu vụ thu hoạch, giá ớt có lúc chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái khiến người trồng ớt lo lắng.

Ớt lại rơi tình trạng “sáng một giá, chiều một giá”, nông dân khóc ròng - Ảnh 1.

Năm nay, ớt loại 1 chỉ được 20.000 đồng/kg. Ảnh TPO

Một người dân trồng ớt ở thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) cho hay năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, đầu năm xảy ra mưa lớn, mưa thường xuyên ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây ớt. Các chi phí chăm sóc, phòng bệnh, ngăn ngừa ngập úng… cho cây ớt vì thế cũng tăng theo. Chi phí sản xuất tăng trong khi giá ớt lại giảm khiến người trồng ngao ngán.

Dù vậy, người này nhận định giá ớt tuy lên xuống thất thường nhưng cây ớt chỉ trồng trong ba tháng đã cho thu hoạch, hết vụ ớt lại cấy thêm được một vụ lúa hè thu. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cây ớt vẫn là cây cho giá trị sản xuất cao hơn so với các cây trồng khác.

Theo các thương lái chuyên thu mua ớt xuất khẩu, giá ớt thời gian qua liên tục giảm, thậm chí sáng một giá, chiều đã một giá khác. Giá ớt đầu vụ là 28.000 đồng/kg nay giảm còn 8.000 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm năm ngoái, giá ớt có lúc lên tới 100.000 đồng/kg.

Các thương lái cho rằng ớt tươi chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc. Năm nay, diện tích trồng ớt tăng cao, sản lượng dồi dào. Tuy nhiên, do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ sau Tết Canh Tý đến nay, phía Trung Quốc ngừng mua hoặc thu mua hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường nội địa không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá ớt giảm mạnh khiến cả người trồng và người thu mua đều gặp khó khăn.

Thông tin với báo chí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Chiều cho hay từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng nông sản (trong đó có ớt) năm trước được mùa, được giá thì năm sau người dân mở rộng diện tích gieo trồng ồ ạt một cách tự phát dẫn đến cung vượt cầu.

Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng ớt, tỉnh đã chỉ đạo các huyện có diện tích trồng ớt lớn, như Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc... tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và thời điểm này là ớt. Đồng thời, phối hợp Sở Công thương, Sở Ngoại vụ nhằm tìm những doanh nghiệp thu mua ớt với số lượng lớn, tìm hướng xuất khẩu cho sản phẩm ớt ổn định và bền vững.

Trước đó, thời điểm giữa tháng 2, người dân trồng ớt ở Quảng Ngãi cũng lao đao vì giá ớt giảm mạnh chỉ khoảng 8.000 đồng/kg. Nhiều diện tích ớt cũng đã đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân không muốn ra đồng hái ớt để bán. Theo nông dân trồng ớt ở đây, do giá bán quá thấp, tiền bán ớt không đủ chi phí cho một ngày công nên nhiều người bỏ mặc cho ớt chín khô ngoài đồng, không muốn hái.

Lam Giang
Cùng chuyên mục