Phản ứng của thế giới về Huawei trước loạt cáo buộc gián điệp

24/05/2019 09:15 GMT+7
Thế giới phản ứng ra sao trước hàng loạt cáo buộc gián điệp, vi phạm lợi ích và an ninh quốc gia mà Mỹ nhắm vào gã khổng lồ viễn thông Huawei?

Quá rõ ràng, cuộc chiến tranh thương mại đang có khả năng biến thành chiến tranh công nghệ khi Mỹ mới đây ban bố lệnh hạn chế thương mại với gã khổng lồ viễn thông Huawei và cân nhắc đưa thêm 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen. Trong đó, những cái tên đối diện nguy cơ lớn bao gồm ông trùm phân phối thiết bị giám sát Hikvision và Dahua Technology.

Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Huawei tham gia hoạt động gián đẹp quốc tế phục vụ kế hoạch của Bắc Kinh, và rằng mọi quốc gia sử dụng công nghệ của Huawei đều có khả năng đối mặt nguy cơ lớn về an ninh và bảo mật.

Trước cảnh báo từ Mỹ, thế giới phản ứng ra sao?

Huawei đứng trước nhiều cáo buộc về vi phạm lợi ích an ninh quốc gia

Mỹ

Đầu tiên, từ phía Mỹ, Huawei phải đối mặt với gần 20 cáo buộc cho rằng họ đã vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran, đồng thời đánh cắp tài sản trí tuệ của công ty Mỹ như CNEX.

Nhà Trắng ngay sau đó ban bố sắc lệnh hạn chế thương mại cấm Huawei nhập khẩu linh kiện từ Mỹ để sản xuất các thiết bị viễn thông chưa được Chính phủ Mỹ thông qua. Quan chức nước này nhiều lần cảnh báo, gây áp lực lên các nước đồng minh về việc hạn chế thương mại với Huawei, qua đó triệt hạ đế chế công nghệ này.

Mùa hè năm ngoái, Washington đã ra một sắc lệnh khác cấm sử dụng thiết bị công nghệ do Huawei sản xuất cho Lầu Năm Góc và các cơ quan chính phủ, căn cứ quân sự quan trọng do lo ngại về nguy cơ gián điệp.

Anh

Vào tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Anh - ông Gavin Williamson, cho biết ông rất quan ngại về việc sử dụng các thiết bị điện tử viễn thông của Huawei trong các căn cứ quân sự - chính trị của Anh. Ông này đồng tình với Mỹ về nguy cơ rủi ro an ninh quốc gia đến từ hoạt động gián điệp của Huawei.

Mới đây, hôm 22/5, nhà mạng lớn nhất nước Anh EE tuyên bố Anh sẽ ra mắt mạng 5G trong tháng 5 mà không có sự hợp tác cùng Huawei.

Philippines

Hôm 21/5 vừa qua, các nhà mạng có trụ sở tại Philippines đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến Huawei. Kết quả từ cuộc bỏ phiếu, đa số tin rằng những lo ngại về bảo mật và an ninh quốc gia đã bị thổi phồng.

Globe Telecom, nhà mạng lớn nhất Philippines cho hay họ sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới 5G bằng công nghệ của Huawei trong quý II/2019.

Kết quả điều tra của Cục Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) hồi đầu tuần cũng khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng về việc Huawei có tham gia hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh.

Cục Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) kết luận sơ bộ: không có bằng chứng cho thấy Huawei liên quan đến hoạt động gián điệp mà Nhà Trắng cáo buộc

Cộng hòa Séc

Vào tháng 1/2019, Huawei bất ngờ bị gạch tên khỏi các nhà thầu trong dự án xây dựng một cổng thông tin thuế quan của Cộng hòa Séc khi cơ quan giám sát an ninh mạng nước này cảnh báo về các rủi ro có thể xảy ra.

Động thái này được đưa ra sau khi Cơ quan Thông tin và An ninh mạng quốc gia (NCISA) cảnh báo các nhà mạng, cơ quan Chính phủ trong nước không sử dụng phần cứng, phần mềm và mọi thiết bị do 2 công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE sản xuất. Một ngày sau, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš ra lệnh cho công chức trong văn phòng chính phủ ngừng sử dụng smartphone Huawei.

Đi ngược lại những cảnh báo này, Tổng thống Cộng hòa Séc ông Milos Zeman, người đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với Bắc Kinh, lại cáo buộc cơ quan an ninh không đưa ra bằng chứng nào về mối đe dọa bảo mật nói trên.

Ba Lan

Tháng 1/2019, cơ quan an ninh Ba Lan đã bắt giữ một giám đốc kinh doanh của Huawei, ông Wang Weijing về cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp, vi phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia nước này. Dù Huawei nhanh chóng sa thải ông Wang sau đó, chính phủ Ba Lan vẫn xem xét cấm sử dụng công nghệ từ Huawei trong phát triển mạng 5G.

Ba Lan là nơi đặt trụ sở đồng thời là trung tâm nghiên cứu của Huawei tại khu vực Đông Bắc Âu.

Thụy Điển và Na Uy

Sau cáo buộc gián điệp từ Hoa Kỳ cùng hàng loạt động thái của các quốc gia trong khu vực, hai quốc gia Bắc Âu là Thụy Điển và Na Uy cũng cho biết họ đang mở cuộc điều tra trước khi kết luận có tiếp tục sử dụng công nghệ Huawei trong việc phát triển mạng 5G hay không.

New Zealand

Nhà cung cấp viễn thông lớn nhất New Zealand, Spark cho biết vào tháng 11/2018 rằng họ sẽ ngừng sử dụng thiết bị Huawei trong công nghệ 5G do các cảnh báo về rủi ro an ninh quốc gia từ cơ quan tình báo nước này.

Australia

Chính phủ Australia vào tháng 8/2018 đã viện dẫn nhiều cảnh báo an ninh từ Mỹ và nhiều quốc gia khác để cấm Huawei tham gia vào hoạt động phát triển mạng 5G nước này.

Trong một công văn gửi đến các nhà mạng, chính phủ Australia cho hay họ quyết định từ mối quan ngại rủi ro an ninh quốc gia một khi các thiết bị công nghệ Huawei thực sự phục vụ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục