Phát triển bất động sản chăm sóc sức khỏe: Không nên phụ thuộc quá vào vay ngân hàng
Bất động sản chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng phát triển
Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đã tác động mạnh đến lối sống, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, kéo theo sự thay đổi xu hướng bất động sản (BĐS) và du lịch.
Trong đó dòng sản phẩm bất động sản chăm sóc sức khỏe đang được chú ý nhiều hơn, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy mạnh về các dự án du lịch chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, riêng lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ - (Wellness Tourism) toàn cầu đạt 617 tỷ USD năm 2017 và 720 tỷ USD năm 2019, dự kiến tăng lên 816,5 tỷ USD năm 2022 và lên đến 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng trung bình có thể lên đến 20,9%/năm.
Thị trường bất động sản, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của thế giới khi được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài, nhiều thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, cùng với nền y học cổ truyền đặc sắc, nhiều hệ thống suối khoáng nóng,… thích hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khách du lịch.
Góp ý về tính pháp lý trong bối cảnh tín dụng ngân hàng không còn ưu đãi cho bất động sản nói chung và bất động sản wellness nói riêng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới, về cơ bản chưa cho phép nước ngoài sở hữu quyền sử dụng đất của chúng ta, đây là vấn đề rất quan trọng.
"Trên góc độ BĐS nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, condotel chúng ta nên tiếp cận như thế nào đối với nhà đầu tư nước ngoài?", TS. Lực đặt vấn đề.
TS. Lực đưa ra quan điểm: "Cần tiếp tục nghiên cứu để cho phép người nước ngoài được mua, được sở hữu nhà ở, các loại hình bất động sản tại Việt nam trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng, được nhận tài sản thế chấp, để để có thể cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này phải nhất quán và hoàn toàn khả thi, đảm bảo có lợi cho các bên và đặc biệt là an toàn".
Theo TS. Lực, vốn cho bất động sản nói chung và bất động sản chăm sóc sức khỏe nói riêng, không nên dựa vào vốn ngân hàng nhiều. Vì hiện nay, mỗi một năm lĩnh vực bất động sản cần 700.000-1.000.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân hàng chiếm 24%, với 2/3 chủ yếu là cho vay để sửa nhà, còn 1/3 là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.
Do vậy, nguồn tiền kinh doanh bất động sản từ từ trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư, bản thân nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn vào dưới dạng quỹ tín thác bất động sản. Ngoài ra, về câu chuyện quy hoạch, vai trò chính quyền địa phương rất quan trọng, quyết định của nhà đầu tư vẫn quyết định là chính, song cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.
Không nên phụ thuộc quá vào nguồn vốn vay ngân hàng
Liên quan đến vấn đề vốn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, đối với Bất động sản, đặc biệt bất động sản chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng thì tiềm năng lớn.
Có thể thấy sau thời kỳ Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. 90% nhà đầu tư ở Việt Nam phục hồi tốt, thậm chí phục hồi 100% sau dịch, nhiều nhà đầu tư tỏ ra tự tin về tiềm năng Việt Nam sau dịch.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Cục Đầu tư nước ngoài tiếp xúc nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để kết nối, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thời gian qua, thu hút thị trường Bất động sản đứng thứ 2 và chiếm tỷ lệ 18,5% trong tổng số vốn đầu tư.
"Có 43 quốc gia đầu tư lĩnh vực bất động sản, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe ở khái niệm rộng hơn và mới ở Việt Nam", ông Tuấn nêu rõ.
Ông Tuấn cho hay, Việt Nam có tiềm năng, bất động sản Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực.
Nếu biết kết hợp, ta vừa có thể thu hút nhà đầu tư, vừa phát triển du lịch. Số liệu cho thấy Việt Nam rất thiệt thòi do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Xu hướng đầu tư bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục. 9 tháng đầu năm 2022 lại ghi nhận sự phục hồi mức cao nhất trước dịch thể hiện qua quy mô bình quân dự án là 64 triệu USD, cao hơn năm 2018 (là 54 triệu USD).
Để thu hút dòng vốn này, Việt Nam phải giải quyết nhiều khó khăn: Tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền bảo vệ các dự án đầu tư; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; và tiếp tục đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết. Thay vì bắt kịp các quốc gia khác, chúng ta phải định hướng đi đầu. Để như vậy, ta cần tạo sự độc đáo và mang các đặc thù của Việt Nam.
Trong khi đó, bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đồng tình với ý kiến của ông TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã nói về nguồn vốn đầu tư vào bất động sản nói chung, và bất động sản sức khỏe nói riêng đến từ nhiều nguồn như: FDI, vốn tự có, phát hành trái phiếu...
Theo bà Giang, chúng ta không nên quá phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng. Về cơ chế chính sách, NHNN đã ban hành đầy đủ và cơ chế cho vay hiện nay dựa trên cơ sở thỏa thuận cơ chế tự thỏa thuận đối với, nhà đầu tư khách hàng.
"Tính đến cuối tháng 8, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là 15,68%, cao hơn tín dụng chung (11%) với quy mô 2,4 triệu tỷ đồng. Nhưng trong quy mô này, phần lớn đến từ tự tiêu dùng, tự sử dụng, kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 1/3", bà Giang đưa ra các con số.
Bà Giang cho hay: "Bất động sản xanh chưa có chính sách, quy định cụ thể nào liên quan đến tín dụng của lĩnh vực này. NHNN cũng có theo dõi tín dụng trong các lĩnh vực xanh, trong đó có lĩnh vực đầu tư đô thị xanh, nhưng tỷ trọng chiếm rất nhỏ, khoảng 0,18% trên tổng dư nợ 474 nghìn tỷ đồng".
Cũng theo bà Giang, về định hướng, quản lý bất động sản trong thời gian tới, NHNN thường xuyên theo dõi sát trong lĩnh vực bất động sản và luôn dành định hướng cho các tổ chức tín dụng vào phân khúc đáp ứng nhu cầu của người dân như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có lượng hấp thụ tốt...
"Đối với lĩnh vực bất động sản sức khỏe như hội thảo ngày hôm nay đề cập, chúng cần tập trung và có giải pháp cho nguồn vốn thu hút đầu tư", bà Giang đưa ra đánh giá.