Phía sau kim loại vàng: giá bạc đã tăng hơn 70% trong năm qua
Nhu cầu về bạc đã tăng vọt trong 12 tháng qua. Tính đến 13 giờ chiều 15/5 (giờ Việt Nam), giá bạc dao động quanh ngưỡng 27,42 USD/ oz, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bạc giao ngay dao động quanh 15,5 USD/oz.
Kim loại bạc được sử dụng trong nhiều sản phẩm hàng ngày, từ đồ điện tử, trang sức cho đến tiền xu. Độ dẫn điện và độ bền cao khiến bạc đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp và công nghệ, từ sản xuất la[top, smartphone cho đến ô tô. Dữ liệu từ Hiệp hội Bạc toàn cầu cho thấy trong năm 2021, nhu cầu bạc đã vượt qua cung.
Tuy nhiên, ông Ole Hanson, người đứng đầu Chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo chỉ ra rằng chỉ có 50% nhu cầu bạc trên thị trường đến từ các ngành công nghiệp - một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy sự gia tăng giá trị của bạc. Phần còn lại của nhu cầu đến từ các nhà đầu tư.
“Nhu cầu công nghiệp có lẽ là lý do chính khiến chúng ta thấy bạc tăng vượt trội hơn vàng trong năm qua. Một phần mức tăng đến từ ngành công nghiệp kim loại đang đà tăng trưởng. Chẳng hạn, giá kim loại đồng đã tăng hơn gấp đôi sau khi chạm mức thấp vào tháng 3 năm ngoái”.
Ông Hanson cho biết thêm, các yếu tố khác cũng tác động đến sự gia tăng của bạc, chẳng hạn như sự chuyển hướng sang công nghệ xanh đã thúc đẩy nhu cầu về kim loại công nghiệp như bạc trong sản xuất tấm pin mặt trời.
Các gói kích thích tài khóa của chính phủ và chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng Trung ương suốt năm qua cũng làm dấy lên mối quan ngại lạm phát. Khi đó, các kim loại quý như vàng trở thành tài sản dự trữ an toàn chống lại lạm phát và sự giảm giá trị đồng USD.
Giữa tuần này, thị trường đã chấn động khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng vọt 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008. Điều này được cho là sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu các kim loại quý như vàng và bạc. “Hầu hết các nhà đầu tư bạc đang theo dõi chặt chẽ giá vàng, giá USD và biến động lãi suất” - ông Ole Hanson nhận định.
Mặc dù lạm phát có thể được coi là một yếu tố thúc đẩy giá các kim loại quý này, nhưng các nhà quan sát thị trường cũng sẽ theo dõi bất kỳ chính sách thắt chặt tiền tệ nào nhằm mục đích giữ cho việc tăng giá trong tầm kiểm soát.
Giá bạc hiện vẫn ở dưới mức cao kỷ lục hồi năm 2011 khi kim loại này gần chạm mốc 50 USD/oz. Tuy nhiên, theo ông Hanson, về lâu dài, nhu cầu kim loại bạc không có dấu hiệu suy giảm. “Nếu các chính phủ nghiêm túc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, xu hướng đó sẽ thu hút nhu cầu bạc tăng lên. Trong khi đó, nguồn cung bạc có khả năng vẫn bị hạn chế. Nếu kết hợp với điều kiện thị trường phù hợp, giá bạc có tiềm năng tăng cao hơn so với nhiều kim loại quý khác”.
Theo ông Max Layton, giám đốc điều hành của Bộ phận Nghiên cứu Hàng hóa tại Citi Global Markets, giá bạc cũng sẽ được hỗ trợ bởi đà mở cửa nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, khi sản xuất công nghiệp tăng lên và nhu cầu đầu tư được duy trì.