Philippines dự báo nhập khẩu gạo đạt mức kỷ lục, gạo Việt tiếp tục có lợi thế?

18/09/2022 17:55 GMT+7
Philippines được dự báo nhập khẩu gạo đạt con số kỷ lục 3,4 triệu tấn trong năm nay. Hiện Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước...

Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7%

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới là Philippines có thể nhập thêm 200.000 tấn gạo so với ước tính trước đó. Cụ thể USDA dự báo năm nay Philippines nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, nhưng dự báo mới nâng lên 3,4 triệu tấn, con số nhập khẩu gạo kỷ lục của nước này. Dự báo năm 2023, nước này cũng nhập khẩu tới 3,3 triệu tấn gạo thay vì 3,1 triệu tấn như dự báo cũ. Năm 2021, Philippines chỉ nhập 2,95 triệu tấn gạo.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022 cả nước xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,56 triệu USD, giá trung bình 472,9 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 19% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 3,4% so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 thì tăng mạnh 44,4% về lượng, tăng 40% kim ngạch nhưng giảm 3% về giá.

Trong tháng 8/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines giảm 12,6% về lượng và giảm 16,7% kim ngạch so với tháng 7/2022, đạt 309.543 tấn, tương đương 138,21 triệu USD; nhưng tăng 13,4% về lượng, tăng 4% kim ngạch, giảm 8,2% về giá so với tháng 8/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 8/2022 tăng rất mạnh 96% về lượng và tăng 82% kim ngạch so với tháng 7/2022, đạt 54.223 tấn, tương đương 26,47 triệu USD; so với tháng 8/2021 thì giảm mạnh 40,4% về lượng, giảm 30,6% kim ngạch.

Tính chung cả 8 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 4,79 triệu tấn, tương đương trên 2,33 tỷ USD, tăng 20,7% về khối lượng, tăng 9,9% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 486,5 USD/tấn, giảm 9%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,89 triệu tấn, tương đương 1,06 tỷ USD, giá trung bình 464,6 USD/tấn, tăng mạnh 49% về lượng, tăng 33,9% về kim ngạch nhưng giảm 10,2% về giá so với 8 tháng đầu năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 10,9% trong tổng lượng và chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch, đạt 520.445 tấn, tương đương 269,21 triệu USD, giá trung bình 517,3 USD/tấn, giảm 29% cả về lượng và kim ngạch; giá tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 488.493 tấn, tương đương 221,63 triệu USD, giá 453,3 USD/tấn, tăng mạnh 86,2% về lượng và tăng 65% kim ngạch nhưng giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ, chiếm 10% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 3,23 triệu tấn, tương đương 1,54 tỷ USD, tăng 24% về lượng, tăng 13,9% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 377.271 tấn, tương đương 185,45 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 12,2% kim ngạch.

Do đó, với diễn biến mới của thị trường Philippines, các doanh nghiệp cho rằng gạo Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng cả lượng và giá xuất khẩu trong thời gian tới.

Philippines dự báo nhập khẩu gạo đạt mức kỷ lục, gạo Việt tiếp tục có lợi thế? - Ảnh 1.

Philippines được dự báo nhập khẩu gạo đạt con số kỷ lục 3,4 triệu tấn trong năm nay.

Xuất khẩu gạo Việt có thể vượt kế hoạch đề ra...

Trước đó, lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 9/9 khiến hơn một tuần qua giá gạo từ Ấn Độ đến Thái Lan và Việt Nam đồng loạt tăng. Gạo 5% tại Ấn Độ được điều chỉnh tăng 5 -10 USD lên mức 392 USD/tấn trong tuần này. Gạo Thái Lan tăng khoảng 15 USD lên mức 435 USD/tấn. Gạo Việt Nam cũng tăng từ 10 - 15 USD nhưng mới đạt mốc 410 USD/tấn. Dù lệnh cấm thúc đẩy giá gạo tăng nhưng các giao dịch toàn cầu nhìn chung vẫn còn hạn chế.

Việc nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đã buộc người mua phải chuyển sang các nhà cung cấp đối thủ, khiến giá mặt hàng chủ lực này từ các “vựa lúa gạo” khác của châu Á tăng lên trong tuần này.

Tuần trước, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp đặt mức thuế 20% lên nhiều loại gạo xuất khẩu khác nhau trong bối cảnh nước này cố gắng tăng nguồn cung và hạ nhiệt giá trong nước sau khi lượng mưa ít khiến việc trồng trọt bị ảnh hưởng. Hoạt động vận chuyển gạo tại các cảng của Ấn Độ đã dừng lại và gần một triệu tấn gạo đang bị mắc kẹt do người mua từ chối trả mức thuế mới.

Trước tình hình đó, các thương nhân Ấn Độ đã không ký các thỏa thuận mua mới trong tuần này. Thị trường đã bị bất ngờ bởi yêu cầu hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và các nhà giao dịch đang cố gắng tìm cách để hoàn tất các hợp đồng đã ký. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức giá 385- 392 USD/tấn, cao hơn so với mức 379- 387 USD/tấn trong tuần trước.

Xuất khẩu của Ấn Độ có thể giảm khoảng 25% trong năm nay khi người mua chuyển sang các nguồn cung ứng rẻ hơn. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 400- 410 USD/tấn so với mức 390-393 USD/tấn của tuần trước. Mặc dù động thái từ Ấn Độ đã làm tăng giá gạo Việt Nam, song xuất khẩu vẫn chưa thấy tăng. Các nhà xuất khẩu ở Việt Nam cũng không vội ký các hợp đồng mới do dự đoán giá sẽ cao hơn trong những tuần tới.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã tăng 425-435 USD/tấn so với mức 416-420 USD/tấn trong tuần trước. Nguồn cung gạo đã bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết như lũ lụt, mưa lớn và một số vấn đề về vận tải. Các thị trường nước ngoài cũng đang theo dõi các diễn biến xung quanh Ấn Độ, điều này đã khiến một số khách hàng lựa chọn gạo Thái Lan.

Philippines dự báo nhập khẩu gạo đạt mức kỷ lục, gạo Việt tiếp tục có lợi thế? - Ảnh 2.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nhu cầu với gạo Việt ngày càng tăng có thể thúc đẩy giá gạo tăng theo.

Không chỉ Philippines tăng nhập khẩu gạo, cách đây không lâu, Bộ Lương thực Bangladesh cũng cho biết nước này cũng đang đàm phán để nhập khẩu gạo từ Thái Lan sau khi hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ với tổng khối lượng vào khoảng 530.000 tấn. Bangladesh đang hoàn tất thỏa thuận mua 230.000 tấn gạo từ Việt Nam và 100.000 tấn từ Ấn Độ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá lương thực.

Quốc gia Nam Á sẽ mua 100.000 tấn gạo đồ từ một công ty nhà nước Ấn Độ và 200.000 tấn gạo đồ, 30.000 tấn gạo trắng từ Việt Nam. Giá gạo đồ từ Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 521 USD/tấn, gạo trắng là 494 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo từ Ấn Độ là 443,5 USD/tấn nếu vận chuyển bằng đường biển và 428,5 USD/tấn nếu vận chuyển qua đường sắt. Các mức giá này đã bao gồm cước vận chuyển, bảo hiểm và chi phí dỡ hàng. Các bên đang chuẩn bị để sớm ký kết thỏa thuận và gạo sẽ được giao tới trong vòng hai đến ba tháng sau đó.

Những thông tin này sẽ có tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay tới cuối năm. Với mục tiêu năm 2022 xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3 tỷ USD, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt kế hoạch đề ra. 

Cùng với giá lúa gạo trong nước, tuần qua giá gạo xuất khẩu cũng điều chỉnh tăng 7 USD/tấn với gạo 5% tấm. Trong tuần qua, giao hàng gạo đi các thị trường khá ổn định.

Tại thị trường Trung Quốc, lượng xuất khẩu gạo không biến động nhiều, thương nhân Trung Quốc thu mua nếp Long An nhiều, thị trường sôi động.

Tại thị trường Philippines, giao hàng gạo tăng mạnh giúp thị trường này tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong việc nhập khẩu gạo Việt Nam

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nhu cầu với gạo Việt ngày càng tăng có thể thúc đẩy giá gạo tăng theo. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn giao hàng theo giá cũ. Các đơn hàng giao cuối tháng và tháng sau giá sẽ nhích lên.

Được biết, trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Tuy nhiên, tiêu thụ dự báo tăng 2 triệu tấn lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn.

USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.

Trái ngược với sự sụt giảm về sản lượng, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

So với niên vụ trước, tiêu thụ được dự báo sẽ tăng tại Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.

USDA cũng sửa đổi ước tính tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 lên mức 516,7 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn, tương ứng gần 3% so với một năm trước đó và là mức cao kỷ lục thứ hai sau niên vụ 2022-2023.

Thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 được USDA điều chỉnh tăng nhẹ so với dự báo trước nhưng không thay đổi so với mức kỷ lục 54,7 triệu tấn của năm 2022. Về nhập khẩu, Trung Quốc sẽ có mức tăng nhập khẩu lớn nhất. Tiếp đó là Philippines. Liên minh châu Âu đứng thứ 3. Ngoài ra Nigeria, Mỹ cũng sẽ tăng nhập. Các quốc gia khác nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo trong năm 2023 bao gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất...

Giá lúa gạo hôm nay 18/9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Hiện lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 5.400 – 5.600 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; OM 18 5.700 – 5.900 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.300 – 8.350 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 8.950 – 9.050 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Tương tự, giá mặt hàng phụ phẩm cũng điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá tấm ở mức 8.400 – 8.500 đồng/kg, giá cám khô 8.000 – 8.200 đồng/kg, tăng 250 – 350 đồng/kg.

Trong tuần qua, giá lúa gạo liên tục điều chỉnh tăng từ 200 - 400 đồng/kg ở hầu hết các chủng loại. Giá phụ phẩm cũng tăng cao. Nguyên nhân là do động thái áp thuế 20% lên các mặt hàng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã đẩy giá lúa gạo trong nước và quốc tế tăng lên.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục