PVC họp cổ đông bất thường vì "di sản" thời Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng
Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vừa thông báo tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019 vào ngày 7/10/2019. Nội dung chính của cuộc họp bao gồm xem xét việc miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT, báo cáo việc HĐQT bổ nhiệm Tổng giám đốc, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2020 và báo cáo việc thực hiện hợp đồng cung cấp thiết bị chính dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Một PVC ngổn ngang sau thời Trịnh Xuân Thanh
Cuộc họp ĐHĐCĐ tới Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp phải xoay xở với khoản thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng để lại từ thời Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời, PVC cũng liên tục nhận được những ý kiến từ ngoại trừ tới từ chối đưa kết luận đối với BCTC của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực tài chính, việc bị kiểm toán viên của công ty kiểm toán từ chối đưa ra kết luận với báo cáo tài chính là một trong những dấu hiệu xấu đối với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong trường hợp đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến với báo cáo tài chính năm, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ bị huỷ niêm yết trên sàn.
Còn BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của PVC ghi nhận con số lỗ lũy kế tính đến 30/06/2019 là 3.746 tỷ đồng, tiệm cận con số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại cùng thời điểm là 4.000 tỷ đồng.
Từ số lỗ luỹ kết đã nêu, dễ dàng tính toán được PVC đã lỗ gần 112 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2019. Nếu so sánh con số lỗ của PVC ở thời điểm 30/6/2019 với thời điểm cùng kỳ năm 2018, số lỗ của PVC đã tăng thêm gần 300 tỷ đồng chỉ sau 1 năm.
Thêm vào đó, ở thời điểm 30/6/2018, kiểm toán viên từng đưa ra đánh giá về số dư nợ vay ngân hàng quá hạn 1.151 tỷ đồng có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của PVC trong 12 tháng tới.
Và kết quả, ở BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2019, kiểm toán viên của Deloitte cho rằng, PVC đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn, các khoản nợ ngắn hạn thanh toán tại ngày 30/06/2019 chủ yếu bao gồm số dư gốc vay gần 1.122 tỷ đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động phụ thuộc vào khả năng thu hồi công nợ, tái cấu trúc các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình đang dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ.
Mặt khác, PVC cho Công ty CP Khách sạn Lam Kinh vay để hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 200 tỷ đồng và số dư dự phòng đã trích lập cho khoản phải thu này hơn 124 tỷ đồng nhưng không có bằng chứng liên quan đến giá trị có thể thu hồi của khoản phải thu về cho vay này.
PVC-Land, Công ty con của PVC có nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 264 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 232 tỷ đồng và cũng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Liên quan đến khoản mục hàng tồn kho, lỗ lũy kế của PVC, đơn vị kiểm toán không có cơ sở xác định vì không thể thu nhập được các bằng chứng thích hợp về diện tích tầng hầm sở hữu chung của chủ sở hữu chung cư và diện tích tầng hầm sở hữu riêng của chủ đầu tư ở dự án Chung cư cao tầng Mỹ Phú.
Với khoản mục giá trị thuần có thể thực hiện được của các chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 có giá gốc lần lượt gần 250 tỷ đồng và 26 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán không thu thập được bằng chứng. Hiện, PVC đang làm việc với cơ quan có thẩm quyền để xem xét điều chỉnh giá trị phát sinh chưa lường hết của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 để nghiệm thu, quyết toán chi phí của PVC tại dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1.
PVC có khoản vốn góp vào đơn vị khác đang được phản ánh với tổng giá trị ghi sổ và tổng giá trị dự phòng cho các khoản đầu tư này lần lượt gần 50 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, các khoản này chưa được đánh giá được hết sự suy giảm giá trị của các khoản đầu tư trên.
Ngoài ra, khoản đóng góp vào dự án "Tổ hợp nhà ở kết hợp dịch vụ siêu thị và văn phòng làm việc tại Hà Nội" (dự án Dolphin Plaza) hơn 37 tỷ đồng cũng không đánh giá được việc trích lập dự phòng vì dự án Dolphin Plaza chưa bán được hết các căn hộ và chưa được quyết toán để phân chia kết quả đầu tư.
Liên quan đến việc bảo lãnh khoản vay cho công ty con, từ năm 2016, PVC đã hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ liên quan đến thư bảo lãnh cho CTCP Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG) vay OceanBank 99,9 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa xong nghĩa vụ bảo lãnh.
Trong bối cảnh PVC phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngày 8/8/2019, doanh nghiệp đã công bố thông tin miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Bình khỏi chức vụ Phó Tổng giám đốc từ ngày 31/7. Ông Bình sẽ chuyển công tác về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, ngày 7/7, HĐQT PVC cũng thông qua quyết định miễn nhiệm chức Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Đình Thế. Theo đó, ông Thế sẽ tập trung nhiệm vụ là Thành viên phụ trách HĐQT. Tới ngày 29/7, PVC bổ nhiệm ông Lương Đình Thành giữ chức vụ Tổng giám đốc thay ông Thế.
Ban Giám đốc hiện có Tổng giám đốc Lương Đình Thành, các Phó Tổng giám đốc gồm Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Văn Đồng, Bùi Sơn Trường, Nguyễn Trung Trí.
Liên tục được kêu gọi giải cứu, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 hiện ra sao?
"Giải cứu", đó là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông khi nhắc tới dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, do PVC làm tổng thầu dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh. Những sai phạm xảy ra tại dự án này đã khiến hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, cùng nhiều nhân vật liên quan phải hầu toà.
Tuy vậy, những khó khăn đối với PVC, PVN tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn hiện hữu. Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2... bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Cụ thể, đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành quý II năm 2021 và Tổ máy 2 vào quý III năm 2021; đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện báo cáo trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành trong tháng 12 năm 2020 và Tổ máy 2 vào quý I năm 2021.
Còn trong một báo cáo của PVN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với nội dung về tình hình giám sát, đánh giá đầu tư 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, tình hình triển khai thi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục chậm, ảnh hưởng tới cột mốc đốt dầu, đốt than lần đầu.
Theo đó, khối lượng lắp đặt mới đạt 93,3%, các hạng mục chính hoàn thành đạt 80-98%. Còn công tác mua sắm thiết bị của tổng thầu PVC không đáp ứng tiến độ thi công lắp đặt, nguồn lực tài chính của Tổng thầu/Nhà thầu phụ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu triển khai dự án.
Điều này đã dẫn tới việc huy động nhân lực, máy móc chưa đầy đủ, công việc triển khai xây dựng, lắp đặt chưa đáp ứng tiến độ.
Ngoài ra, công tác điều hành của Tổng thầu PVC và một số nhà thầu phụ trên công trường còn hạn chế, chưa đáp ứng cam kết.