Quảng Nam: 30 doanh nghiệp điện mặt trời chưa thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký công văn yêu cầu các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo báo cáo số báo cáo số 144/BC-SCT ngày 25/01/2022 của Sở Công Thương về tình hình phát triển ĐMTMN tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.412 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 164.529,88kWp, trong đó có 226 hệ thống điện mặt trời áp mái tại các cơ quan, doanh nghiệp, bao gồm hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên mái các cơ quan, đơn vị nhà nước là 12/226 hệ thống; hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên mái các cơ sở doanh nghiệp là 214/226 hệ thống; hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên mái các cơ sở doanh nghiệp trong Khu công nghiệp là 47/214 hệ thống; hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên mái các cơ sở doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp là 50/214 hệ thống; hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên mái các cơ sở doanh nghiệp ngoài Khu - Cụm công nghiệp là 117/214 hệ thống.
"Đối với trình tự thủ tục đầu tư xây dựng thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, giấy phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng đa số các đơn vị lắp đặt hệ thống ĐMTMN chưa thực hiện các thủ tục về thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt và hồ sơ quản lý chất lượng công trình. Chỉ một vài doanh nghiệp thực hiện, tuy nhiên chưa đầy đủ.
Đối với giấy phép xây dựng, qua kiểm tra các doanh nghiệp, hầu hết nhà xưởng phía dưới đã được cấp phép xây dựng tuy nhiên khi chủ nhà xưởng cho các đơn vị khác thuê mái nhà hoặc tự đầu tư hệ thống ĐMTMN thì không xin cấp phép xây dựng đối với hạng mục ĐMTMN phát sinh", Sở Công thương Quảng Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương Quảng Nam còn cho biết, đối với công tác PCCC, đơn vị đã kiểm tra 30 cơ sở, trong số đó chỉ có 2 cơ sở đã có ý kiến thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC của cơ quan quản lý nhà có thẩm quyền.
Có 28 cơ sở chưa có ý kiến thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC của cơ quan quản lý nhà có thẩm quyền. Có 16/30 cơ sở bị Phòng cảnh sát PCCC&CNCH tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động
Đối với công tác bảo vệ môi trường, qua kiểm tra, cả 30 doanh nghiệp chưa thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn công trình, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên mái các nhà xưởng, ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu chịu lực công trình hiện hữu, tuy nhiên, hầu hết các chủ nhà xưởng chưa thực hiện đánh giá, kiểm định lại an toàn chịu lực của kết cấu nhà xưởng. Chỉ có một vài doanh nghiệp thuê tư vấn độc lập kiểm định lại tuy nhiên chưa được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm định.
"Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho thuê mái và thuê mái nhưng không có ngành nghề kinh doanh phù hợp hoặc có ngành nghề nhưng vốn điều lệ không đảm bảo theo quy định của Luật kinh doanh Bất động sản... Nhiều đơn vị có lắp đặt hệ thống ĐMTMN hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Quảng Nam nhưng không đăng ký hoạt động kinh doanh tại Quảng Nam.
Đặc biệt, việc UBND thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc cho phép Ban Quản lý Chợ Ái Nghĩa cho thuê mái chợ để lắp đặt hệ thống ĐMTMN là chưa phù hợp với quy định của pháp luật theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 và Khoản 2 Điều 55 của Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017…", Sở Công thương nhấn mạnh.
Trước báo cáo của Sở Công thương tỉnh, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn công trình, an toàn lao động, an toàn cháy nổ đối với các công trình/cơ sở lắp đặt hệ thống ĐMTMN trong phạm vi hành chính được giao quản lý.
"Các Sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở Công Thương, Công ty Điện lực Quảng Nam trong kiểm tra, đánh giá việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh; chủ động rà soát các quy định ngành có liên quan để giải quyết các thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Công ty Điện lực Quảng Nam chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 8829/UBND-KTN ngày 9/12/2021.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định, hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng hệ thống ĐMTMN trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành", UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.