Quảng Nam: Chương trình OCOP, động lực giúp kinh tế nông thôn huyện Quế Sơn tỏa sáng
Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, xác định mục tiêu của sản phẩm OCOP là gia tăng giá trị cho địa phương, trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, huyện Quế Sơn đã đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể có sản phẩm tham gia đăng ký, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt.
Đồng thời, huyện cũng chú trọng ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO....
Cùng với đó, các phòng chuyên môn của huyện tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản địa phương tại các hội chợ, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh.
Thông qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối giữa các sản phẩm nông sản, OCOP của huyện đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam; tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tìm kiếm đối tác, liên kết phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Tính đến nay, toàn huyện Quế Sơn có 21 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 17 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao (1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao).
Đặc biệt, các sản phẩm OCOP của huyện được đưa vào các siêu thị, nhà hàng, resort ở nhiều thành phố lớn và được xuất khẩu sang nước ngoài như sản phẩm bánh dừa nướng Quý Thu (xã Quế Xuân 2), phở sắn Caromi (thị trấn Đông Phú).
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận tiếp tục duy trì đạt sản lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy mô sản xuất được mở rộng. Nhờ đó doanh thu từng bước được tăng lên, thu nhập của lao động địa phương cũng được nâng cao.
Điều đó cho thấy Chương trình OCOP đã tạo động lực rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo nguyên liệu tại chỗ được đẩy mạnh hình thành, giúp kiểm soát được quy trình sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Quế Sơn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: một số địa phương thiếu sự quan tâm, chưa thật sự tập trung chỉ đạo, triển khai Chương trình; đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu Chương trình OCOP tại cấp xã kiêm nhiệm nhiều công việc nên triển khai chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng chủ thể OCOP là hộ sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ tương đối cao, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu tính liên kết....
Trên cơ sở nhận diện rõ những rào cản, thời gian tới các ngành liên quan và chính quyền các cấp huyện Quế Sơn sẽ tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tập trung củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và cấp xã; đảm bảo đủ cán bộ chuyên trách lĩnh vực OCOP để thực hiện các phần việc một cách kịp thời và hiệu quả.
Còn ông Hà Tất Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết, nhằm đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, hỗ trợ các chủ thể, huyện phối hợp với các ngành, địa phương, Hội Nông dân mở các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Hiện nay, các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP hoạt động kinh doanh khá hiệu quả, là kênh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của bà con nông dân….
"Từ nay đến năm 2025, huyện Quế Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Đồng thời, tập trung phát triển một số sản phẩm tìm năng về thủ công mỹ nghệ và du lịch trải nghiệm, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm OCOP, thu hút khách du lịch, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn...", ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay.