Quảng Nam: Đưa 300 sản phẩm OCOP gắn sao vào TP. Hồ Chí Minh quảng bá
Ngày 16/11, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày Hội sản phẩm Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh năm 2022 do UBND tỉnh Quảng Nam chính thức khai mạc 17/11 kéo dài liên tục đến hết ngày 20/11 với sự tham gia của 300 sản phẩm OCOP.
"Ngày Hội sản phẩm Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh là sự kiện được tổ chức kết hợp giữa hoạt động xúc tiến thương mại với du lịch và đầu tư, nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát, nghiên cứu thiết lập các điểm tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Nam tại một số tỉnh, thành phố lớn.
Bên cạnh đó, còn triển khai hiệu quả kế hoạch, phương án tiêu thụ, xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh; đồng thời, thực hiện đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, độc đáo để thúc đẩy sự quan tâm, thu hút và giữ chân khách…", đại diện Sở Công thương Quảng Nam cho biết.
Cũng theo Sở Công thương Quảng Nam, ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại Hồ Chí Minh là hoạt động quảng bá, xúc tiến và kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm nông sản và du lịch tỉnh Quảng Nam với người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; nhằm hỗ trợ quảng bá, kích cầu, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cũng như phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam nhanh, hiệu quả, bền vững.
Sự kiện ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh thu hút sự tham gia của các đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, với gần 300 sản phẩm OCOP của 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Quảng Nam được trưng bày trong khu nhà chung của tỉnh Quảng Nam với diện tích gần 100 m2 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ, TP.Hồ Chí Minh bao gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng và nông sản đạt tiêu chuẩn ATTP, VietGAP.
Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 282 sản phẩm của 207 chủ thể của 23 doanh nghiệp, 76 HTX, 6 THT, 102 hộ gia đình có đăng ký kinh doanh được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.
Trong đó, có 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, có 25/268 sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.
Một số sản phẩm tiêu biểu được công nhận như, đĩa Chùa Cầu (Làng nghề mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An); mắm ruốc Hà Quảng, nước mắm Hà Quảng (làng nghề nước mắm Hà Quảng, phường Điện Dương, TX Điện Bàn); nước mắm Duy Trinh (làng nghề chế biến hải sản An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên); khăn lụa Mã Châu (làng nghề Tơ lụa Mã Châu, TT Nam Phước, huyện Duy Xuyên); phở sắn (làng nghề phở sắn Đông Phú, TT Đông Phú, huyện Quế Sơn); nước mắm Cửa Khe, nước mắm nhĩ Cá cơm (làng nghề nước mắm Cửa Khe, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình); bưởi trụ Đại Bình (làng nghề trồng cây ăn quả Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn)...
"Thông qua công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm hàng năm theo bộ tiêu chí quy định của chương trình OCOP, chất lượng sản phẩm nói chung, sản phẩm làng nghề nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, bao bì, nhãn mác từng bước được nâng cấp cải tiến, việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu, công tác quảng bá, xác tiến thương mại sản phẩm, trong đó có thương mại điện tử đã được các chủ thể OCOP quan tâm thực hiện và triển khai đạt kết quả bước đầu, nhiều sản phẩm được công nhận đã có mặt tại các các siêu thị, trung tâm, điểm bán hàng, các địa điểm du lịch...
Các sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như, siêu thị Big C, Coopmart, Lotte; tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử: Sendo, Voso, Postmart, Shopee", đại diện Sở Công thương Quảng Nam thông tin.