Quảng Nam: Yến sào Cù Lao Chàm nức tiếng được chứng nhận chỉ dẫn địa lý
Ngày 21/4, tại Cù Lao Chàm, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý yến sào Cù Lao Chàm - Hội An. Sản phẩm yến sào (tổ yến) Cù Lao Chàm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào ngày 23/11/2020 cho 3 sản phẩm yến quang, yến thiên và yến bài.
"Sản phẩm yến quang ở Cù Lao Chàm có giá cao nhất lên đến khoảng 180 triệu đồng/kg. Việc công bố chỉ dẫn địa lý yến sào Cù Lao Chàm là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể cũng là cơ hội để Hội An bảo tồn, phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và phát huy giá trị sản phẩm phục vụ du lịch", đại diện TP Hội An nhấn mạnh.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An là sản phẩm thứ 3 của tỉnh Quảng Nam sau Quế Trà My và Sâm Ngọc Linh được Nhà nước bảo hộ Sở hữu trí tuệ dưới hình thức cao nhất là Chỉ dẫn địa lý và đã đưa Quảng Nam là một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý nhất ở Việt Nam hiện nay.
"Tôi đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu của các cơ quan, đơn vị, UBND TP Hội An, các ngành liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ của Cục SHTT - Bộ KHCN, Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam cùng với tư vấn chuyên môn của Viện Thổ nhưỡng Nông Hóa trong việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý "Cù Lao Chàm - Hội https://danviet.vn/ba-ria-vung-tau-gia-dat-tang-3-lan-phai-them-2-phong-cong-chung-de-dap-ung-nhu-cau-chuyen-nhuong-2021041906302187.htm" cho sản phẩm yến sào của tỉnh Quảng Nam, góp phần nâng cao vị thế, chứng minh sức cạnh tranh của sản phẩm yến sào trên thị trường trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho nhân dân thành phố Hội An", ông Tích nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Viết Tích, việc sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - Hội An được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là niềm tự hào đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm gìn giữ và quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và người dân thành phố Hội An.
"Trong thời gian đến, tôi đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là TP Hội An cần chủ động sáng tạo, tập trung củng cố và nâng cao hoạt động việc quản lý chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh việc phát triển giá trị thương hiệu của sản phẩm đã được bảo hộ; tổ chức phát huy chuỗi các giá trị trong liên kết sản xuất, tích cực hỗ trợ nguồn lực để cũng cố và nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm yến sào, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến việc giữ ổn định cho đàn yến đảo Cù Lao Chàm, giữ vững thương hiệu yến sào Cù Lao Chàm - Hội An đã nức tiếng bao đời nay và khi được gắn liền với chỉ dẫn địa lý", ông Tích nói.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu, bên cạnh việc gìn giữ, nâng cao chất lượng, phát triển sản xuất kinh doanh, xã hội hóa đầu tư phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ yến mà chúng ta cũng đã và đang tìm kiếm các giải pháp khả thi, thì vấn đề hiện nay là làm thế nào để khôi phục lại thời hoàng kim về sản lượng tổ yến các năm trước đây. Đây là điều kiện cần cho sản phẩm yến có đủ điều kiện để xâm nhập sâu rộng vào thị trường trong nước và quốc tế.
"Thời gian tới, cần nghiên cứu khoa học tìm kiếm các giải pháp khôi phục quần đàn tự nhiên yến đảo như cứu hộ chim non rơi khỏi tổ; ấp nở nhân tạo trứng chim yến khi bị lấy khỏi tổ theo chu kỳ khai thác, bên cạnh nghiên cứu kỹ thời điểm khai thác hợp lý nhất. Gìn giữ môi trường cho yến nhằm giảm thiểu tối đa tác động từ bên ngoài…", ông Tích yêu cầu.