Quảng Ngãi đặt mục tiêu thêm 100 sản phẩm OCOP trong năm 2024
Những kết quả đáng ghi nhận
Được biết năm 2023, nhờ sự nỗ lực của các cấp ngành và địa phương liên quan của tỉnh, sự hỗ trợ từ T.Ư, việc thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) ở Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có thêm 100 sản phẩm đạt OCOP. Trong số này có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 90 sản phẩm 3 sao; so với kế hoạch đã đề ra trước đó vượt 50 sản phẩm.
Cụ thể năm 2023, toàn tỉnh có 69 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP, gồm 13 doanh nghiệp /28 sản phẩm; 12 hợp tác xã/15 sản phẩm; 44 Cơ sở và hộ sản xuất kinh doanh/57 sản phẩm).
Điều đáng mừng là sau 1 thời gian khá dài triển khai thực hiện chương trình đến thời điểm này, 13/13 địa phương của tỉnh đều có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Nối tiếp thành công trên, tại cuộc họp diễn ra vào hôm qua, ngày 6/3, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì, đã đặt ra mục tiêu để thực hiện trong năm 2024 này.
Theo đó năm 2024, Quảng Ngãi phấn đấu có thêm 100 sản phẩm đạt OCOP từ 3-5 sao. Trong số này, phấn đấu có 4-6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 1 -2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp T.Ư.
Triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của các chủ thể trên địa bàn tỉnh trong việc tham gia cùng các sở, ngành, địa phương để phát triển Chương trình OCOP của tỉnh, đạt kết quả rất tốt.
Theo đó thông qua việc quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và chủ thể; phát huy giá trị của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu tăng thêm 100 sản phẩm OCOP trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, cũng đã có những yêu cầu và chỉ đạo cụ thể đối với các cấp ngành, địa phương trên địa bàn.
Đáng chú ý là yêu cầu các địa phương rà soát lại các sản phẩm OCOP hiện có; nghiêm túc xử lý đối với các sản phẩm không duy trì tiêu chuẩn sản phẩm 3 sao, 4 sao; nâng cao chất lượng công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định các địa phương, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào các Trung tâm thương mại, siêu thị để mở rộng thị trường.
Các cơ quan, đơn vị liên quan cần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; liên kết quảng bá, phân phối sản phẩm OCOP giữa các địa phương, vùng miền để lan tỏa và đa dạng hóa sản phẩm OCOP.
Các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan; hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP; chủ động, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể mở rộng sản xuất; phát huy sức mạnh và nâng cao hiệu quả, giá trị của sản phẩm OCOP trong thời gian đến.