Quảng Ngãi: Kỳ vọng đến năm 2030, xuất khẩu thủy sản mang về 25 triệu USD
Tăng tương xứng giữa phát triển với tiềm năng, lợi thế
Sáng 29/3, xác nhận với PV Etime, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã có quyết định phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng như nhiều tỉnh, thành ven biển khác, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế và giàu tiềm năng để phát triển thuỷ sản, đặc biệt là phát triển kinh tế biển.
Chính vì vậy mà từ bao năm qua, phát triển thuỷ sản được Quảng Ngãi xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư từ các cấp, ngành của tỉnh và sự hỗ trợ từ T.Ư nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế này.
Vì vậy trong quyết định vừa phê duyệt (phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, đánh giá rất rõ và đưa ra giải pháp để phát triển kinh tế biển đồng bộ cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; phấn đấu đưa tỉnh nhà trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển.
Tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ quan điểm xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (phát triển thuỷ sản) theo hướng tăng tỉ trọng giá trị nuôi trồng và chế biến; thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuỷ sản đồng bộ, trước hết là các công trình cảng, bến, thông luồng, vũng neo đậu tàu thuyền trú bão và các công trình xử lý nước thải vùng nuôi thủy sản tập trung, hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản vùng biển ở đảo Lý Sơn.
Khai thác thủy sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác hải sản xa bờ; bảo tồn, lưu giữ, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái.
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở quy hoạch hợp lý mặt nước, diện tích đất có khả năng nuôi trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bền vững; khuyến khích nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao…
Mục tiêu giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 9.000 tỷ đồng
Theo đó tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân của địa phương từ 5-6%/năm; giá trị sản xuất đạt 9.056 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD; tổng sản lượng thủy sản đạt 275.000 tấn.
Cụ thể sản lượng khai thác thủy sản ở mức 260.000 tấn/năm; cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có chiều dài dưới 15 mét khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng; giảm tỷ lệ nghề lưới kéo xuống dưới 25%, khuyến khích chuyển đổi sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường; 100% tàu thuyền có chiều dài từ 15m trở lên được lắp thiết bị giám sát hành trình.
Diện tích nuôi trồng thủy sản phấn đấu đến năm 2030 đạt 2.030 ha nuôi nước lợ, ngọt. Trong đó nuôi lợ 930 ha (gồm nuôi trên cát 300 ha, nuôi vùng triều 630 ha); nuôi nước ngọt 1.100 ha và 200.000m3 lồng nuôi mặn (khoảng hơn 2.000 lồng nuôi) trên biển.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng dần khoảng 3-4%/năm, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15.000 tấn, gồm nuôi nước lợ 12.000 tấn (trong đó tôm nước lợ 9.000 tấn), cá nước ngọt 2.000 tấn, nuôi biển 1.000 tấn.
Đối với chế biến thủy sản, đưa tổng công suất nhà máy chế biến đến năm 2030 đạt 30.000 tấn; sản lượng sản phẩm chế biến khoảng 23.000 tấn, xuất khẩu thủy sản đạt 25 triệu USD; xây dựng hình thành 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất khai thác, nuôi trồng - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo đúng các quy định của nhà nước về sản xuất kinh doanh thủy sản.