Sau bất động sản nhà ở, phân khúc nào được nhà đầu tư “đổ vốn”?

23/03/2023 17:59 GMT+7
Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ hai, sau bất động sản nhà ở, với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2023.

Theo bộ phận nghiên cứu Savills Châu Á – Thái Bình Dương, vốn đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics đã tăng trưởng mạnh, vượt qua bán lẻ để trở thành phân khúc có tổng giao dịch nhiều thứ 2 trong khu vực. Theo dữ liệu của MSCI, trong 3 quý đầu năm 2022, tổng giá trị các giao dịch logistics đạt 29,5 tỷ USD, so với bán lẻ là 22,3 tỷ USD.

Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của ANREV, bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ hai (sau bất động sản nhà ở), với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2023.

Ông Jack Harkness, Giám đốc Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Savills, đánh giá nhờ sự phát triển ổn định của những yếu tố giúp thúc đẩy thị trường, các nhà đầu tư bất động sản vẫn thể hiện cam kết với lĩnh vực logistics tại thị trường bất động sản Châu Á – Thái Bình Dương.

"Tuy nhiên, nhà đầu tư đang thận trọng hơn. Xu hướng này chủ yếu đến từ những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và các thị trường nơi tỷ suất vốn hóa suy giảm đáng kể và lãi suất tăng", ông Jack Harkness nhận định.

Sau bất động sản nhà ở, phân khúc nào được nhà đầu tư “đổ vốn”? - Ảnh 1.

Ông Jack Harkness, Giám đốc Dịch vụ bất động sản Công nghiệp, Savills Châu Á - Thái Bình Dương

Trong năm 2022, thị trường đã chứng kiến sự ra đời của nhiều quỹ đầu tư mới. Đơn cử, GLP công bố thành lập quỹ đầu tư thu nhập thứ 6 tại Trung Quốc, gây quỹ được 1,05 tỷ USD. Cùng với đó, Tập đoàn quản lý quỹ đầu tư và logistics ESR đã gây quỹ 373 triệu USD cho một quỹ đầu tư phát triển tại Australia.

Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này cũng diễn ra sôi động ngay từ đầu năm 2023, khi quỹ quản lý đầu tư Anh M&G tuyên bố đã chi 267 triệu USD để tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại một trung tâm logistics tại Nhật Bản. Trong khi đó, nhà quản lý đầu tư Hàn Quốc Mirae Asset Global Investment đã mua kho hàng đầu tiên tại Mumbai (Ấn Độ) vào tháng 1 vừa qua.

"Các thị trường chính được những nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới quan tâm là Trung Quốc, Nhật Bản và Úc. Tuy nhiên chúng tôi dự đoán sự quan tâm đến Ấn Độ và Đông Nam Á, những nơi đang hưởng lợi từ sự đa dạng hóa sản xuất và tăng trưởng tiêu dùng, sẽ nổi lên mạnh mẽ trong tương lai", ông Jack Harkness chia sẻ.

Trước đây, bất động sản công nghiệp và logistics là một ngành kinh doanh ít nhận được sự quan tâm nhưng hiện nay phân khúc này đang phát triển với công nghệ cao và đòi hỏi những chuyên môn phức tạp. Nhu cầu đối với các dòng sản phẩm mới nổi như giao hàng chặng cuối, các kho nhỏ gần đô thị phục vụ người tiêu dùng và kho lạnh đang ngày càng tăng nhanh.

Sau bất động sản nhà ở, phân khúc nào được nhà đầu tư “đổ vốn”? - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Đối với thị trường Việt Nam, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills khẳng định thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

"Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư", ông John Campbell nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thị trường logistics và khu công nghiệp tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Về thị trường logistics, mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn song cũng đã tạo ra nhiều cơ hội mới. Với nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao trong khi nguồn cung vận chuyển bị gián đoạn do các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển, các công ty logistics tại Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để phát triển. Ngoài ra, sự gia tăng của thương mại điện tử cũng đã đóng góp vào tăng trưởng của thị trường logistics tại Việt Nam.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục