Sau Trung Quốc, đến lượt EU xem xét ra mắt tiền điện tử

06/11/2019 15:42 GMT+7
Ngân hàng Trung Ương Châu Âu mới đây đang xem xét phát hành một loại tiền tệ kỹ thuật số trong bối cảnh đồng Libra của Facebook thất thế còn Trung Quốc cũng thúc đẩy một dự án tương tự như vậy.

EU xem xét ra mắt tiền điện tử

Sau Trung Quốc, đến lượt EU xem xét ra mắt tiền điện tử - Ảnh 1.

Sau cơn sốt đồng Libra và tiền điện tử Trung Quốc, EU cũng xem xét ra mắt tiền kỹ thuật số

Hồi tháng 6/2019, Facebook bất ngờ giới thiệu dự án tiền điện tử Libra dự kiến ra mắt vào năm 2020 với sự quản lý của 28 đối tác bao gồm cả những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất toàn cầu như MasterCard Visa… Tuy nhiên, dự án Libra nhanh chóng bị cả Chính phủ Mỹ và các quốc gia khác “dội nước lạnh” do mối quan ngại rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu cùng hàng loạt nguy cơ an ninh khác.

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc các tổ chức tài chính thế giới đồng loạt phản ứng với dự án tiền Libra. Đầu tiên, Facebook hiện là một trong 4 đại gia công nghệ lớn nhất nước Mỹ, với tổng số lượng người dùng các mạng xã hội lên tới 2 tỷ người, chiếm tới hơn 25% dân số toàn cầu. Thị trường tiềm năng này khiến bất kỳ Chính phủ nào cũng phải quan ngại rằng sức mạnh của đồng Libra khi ra mắt có thể sẽ nâng Facebook lên vị thế kẻ chi phối hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu thay cho các Ngân hàng Trung Ương. Khi đó, giá trị các loại tiền tệ fiat có thể sẽ bị ảnh hưởng, còn đồng Libra thì trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu. Đó là chưa kể hàng loạt rủi ro liên quan đến rửa tiền, bảo mật thanh toán… khiến các nhà lập pháo quan ngại.

Dưới áp lực mạnh mẽ của các Chính phủ, nhiều đối tác lớn như eBay, Uber, PayPal, Visa...mới đây đã tuyên bố rút lui khỏi Hiệp hội Libra, khiến dự án tiền điện tử của Facebook đi vào ngõ cụt. Cho đến thời điểm hiện tại, không một đối tác nào còn ở lại trong Hiệp hội Libra là công ty tài chính. Các thành viên còn trụ lại trong Hiệp hội này giờ đây chỉ là những nhà đầu tư mạo hiểm, công ty viễn thông, công ty công nghệ và blockchain, doanh nghiệp phi lợi nhuận… 

Trong khi Facebook thúc đẩy sự ra mắt của đồng Libra, chính phủ Trung Quốc cũng đang hoàn thiện hệ thống blockchain để đưa đồng tiền kỹ thuật số riêng của nước này ra thị trường trong năm tới. Trước tình hình này, một dự thảo văn bản của Liên minh Châu Âu EU xuất hiện hôm 5/11 cũng đề cập tới việc phát triển đồng tiền điện tử chung của khu vực nhằm đối phó với các dự án rủi ro cao như Libra. 

Dự thảo sẽ được các Bộ trưởng tài chính EU xem xét vào cuối tuần và biểu quyết thông qua vào đầu tháng 12 tới trong chương trình nghị sự đã được lên kế hoạch. Ngân hàng Châu Âu ECB có thể sẽ phối hợp với các Ngân hàng Trung Ương khác để xem xét tiến trình cụ thể cho chiến lược này. 

Hãy nhớ bài học từ đồng Libra

Sau Trung Quốc, đến lượt EU xem xét ra mắt tiền điện tử - Ảnh 3.

Ông Benoit Coeure, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ECB hồi tháng 9 từng nhắc nhở các nhà lập pháp EU suy nghĩ về khả năng phát hành một loại tiền kỹ thuật số trong khối. Tham vọng này sẽ cho phép hàng triệu người dùng trong Liên minh Châu Âu trực tiếp thực hiện các dịch vụ tín dụng mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng hay các đối tác thanh toán như ví điện tử.

Nhưng rủi ro lớn mà EU phải đối mặt nếu phê chuẩn dự án tiền điện tử là những gì Facebook đang trải qua lúc này: rủi ro cho hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu, nguy cơ rửa tiền và tiếp tay cho các băng đảng, các hoạt động tội phạm quốc tế, rủi ro bảo mật dữ liệu người dùng, trốn thuế….

Trong trường hợp đó, Liên minh Châu Âu cần một khung pháp lý chặt chẽ và hoàn thiện để quản lý các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số cùng những nguy cơ nó mang lại - nhận định của ông Markus Ferber, một thành viên người Đức nằm trong nghị viện Châu Âu. Đức và Pháp từ lâu là hai quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc “cấm cửa” tiền ảo Libra.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục