Sốt giá cổ phiếu ngân hàng: Dồn dập xả hàng, “sếp” và người nhà bỏ túi tiền tỷ

31/05/2021 14:11 GMT+7
Hàng loạt "sếp" và người nhà của nhiều ngân hàng như Eximbank, MSB, VIB,...đăng ký bán ra cổ phiếu. Động thái này diễn ra khi cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá mạnh, thậm chí gấp hơn 2 lần kể từ đầu năm đến nay.

Như Etime đã thống kê, tính tới thời điểm hiện tại, thị giá của không ít các cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng bằng lần kể từ đầu năm đến nay.

Chẳng hạn như, cổ phiếu ngân hàng VPB từ đầu năm đến nay đã tăng 2,1 lần; LPB tăng 2,3 lần; NCB tăng 2,15 lần. Trong khi đó, EIB tăng gần gấp đôi, VIB tăng 2 lần và SHB tăng 2,4 lần từ cuối tháng 1 cho đến hết tháng 5/2021.

Sốt giá cổ phiếu ngân hàng: Dồn dập xả hàng, “sếp” và người nhà bỏ túi tiền tỷ - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu ngân hàng từ 31/12/2020 đến cuối tháng 5 (* từ khi lên sàn cho đến nay)

Giữa tháng 7, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tạo đỉnh

Theo định giá từ chuyên gia của Chứng khoán BSC, cổ phiếu VCB của Vietcombank có giá mục tiêu cao nhất với 135.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng khác có mức định giá mục tiêu trên 60.000 đồng/cổ phiếu như BID (67.000 đồng/cổ phiếu), CTG (69.500 đồng/cổ phiếu), TCB (71.500 đồng/cổ phiếu), VPB (90.100 đồng/cổ phiếu).

Dù có mức tăng mạnh trong thời gian qua, song theo một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhóm Ngân hàng vẫn có triển vọng tích cực trong trung và dài hạn.

Dự kiến đến khoảng giữa tháng 7, các nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tạo đỉnh khi kết quả kinh doanh quý II ngân hàng bắt đầu phản ánh mức trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03.

Ngoài ra, trong những tháng gần đây, dòng tiền liên tục đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng do có nhiều nhiều yếu tố hỗ trợ.

Tiểu điểm như kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý I khá tốt, thậm chí là tăng trưởng vượt kỳ vọng.

Đáng chú ý, trong quý I nhiều ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động bancassurance, cũng như các ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc ngân hàng hạch toán khoản lợi nhuận đột biến này trong quý I đã giúp một số ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận từ 60-100% so với cùng kỳ. Và trong những quý tới, sẽ không còn yếu tố này nữa.

Do đó, một số chuyên gia phân tích nhận định, thời điểm hiện tại, dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào nhóm ngân hàng, và phải đợi đến tháng 6 mới có khả năng điều chỉnh.

"Sếp" ngân hàng và người nhà xả hàng thu tiền tỷ

Giữa lúc "sóng" ngân hàng đang "cuồn cuộn", và các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan đánh giá triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều "sếp" ngân hàng và người nhà đăng ký bán ra.

Đơn cử như tại Eximbank (EIB), ông Đào Hồng Châu – Phó Tổng Giám đốc Eximbank dự định bán toàn bộ 71.271 cổ phiếu EIB đang nắm giữ.

Thời gian giao dịch dự kiến từ 3/6 đến 2/7/2021 thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Hiện, thị giá của đạt mức 31.900 đồng/cp, tăng 65,7% so với đầu năm. Đặc biệt 4 phiên gần đây, cổ phiếu EIB đã tăng vọt 20,5%, trong đó có 2 phiên tăng trần.

Ước tính theo vùng giá hiện nay, ông Châu sẽ thu về khoảng 2,3 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Eximbank. Như vậy, trong 5 tháng số cổ phiếu này đã sinh lời khoảng gần 1 tỷ đồng.

Sốt giá cổ phiếu ngân hàng: Dồn dập xả hàng, “sếp” và người nhà bỏ túi tiền tỷ - Ảnh 3.

"Sếp" ngân hàng và người nhà xả hàng thu tiền tỷ

Tại MSB, ông Trần Phi Hạnh - anh trai của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MSB đăng ký bán toàn bộ 5.884.602 cổ phiếu MSB. Mục đích bán ra là để đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.

Giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian từ 4/6 đến 2/7/2021, theo phương thức khớp lệnh trên sàn và bán lô lẻ cho Công ty Chứng khoán SSI.

Giá cổ phiếu MSB đứng ở mức 26.750 đồng/cp, tăng 78% so với khi cổ phiếu này lên sàn HoSE 5 tháng trước.

Ước tính theo vùng giá hiện tại, ông Phi Hạnh có thể thu về khoảng 157 tỷ đồng từ việc thoái sạch vốn khỏi MSB, trong khi đó số cổ phiếu này có giá trị chỉ vào khoảng 88 tỷ đồng

Tại VPBank (VPB), bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đã bán 50.000 cổ phiếu VPB tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thu về 2,3 tỷ đồng. Bà Ngọc Anh là vợ của ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Tổng Giám đốc VPBank.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Bình cũng đã bán ra 160.000 cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 196.990 cổ phiếu, ước tính giá trị giao dịch 9,36 tỷ đồng.

Tại LienVietPostBank (LPB), bà Lê Thị Uyển, chị gái của ông Lê Anh Tùng Phó Tổng giám đốc ngân hàng đã bán ra toàn bộ 106.800 cổ phiếu LPB từ ngày 19-20/5/2021 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Bà Bùi Thị Thanh Huyền, chị dâu của ông Dương Công Toàn – Phó Chủ tịch HĐQT cũng đã bán 175.197 cổ phiếu LPB trong ngày 25/5/2021 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Tổng giá trị giao dịch mà toàn bộ người nhà của lãnh đạo LPB thu về khoảng 6,8 tỷ đồng, tăng hơn gấp 2 lần so với thời điểm đầu năm 2021.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng không ngoại lệ.Trong thời gian từ 12/5 đến 18/6, 6 người có liên quan đến lãnh đạo VIB muốn bán ra hơn 25 triệu cổ phiếu.

Hiện thị giá của VIB là 65.800 đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Tạm tính theo mức giá này, người nhà của ban lãnh đạo có thể thu về 1.645 tỷ đồng. Lô cổ phiếu này hồi đầu năm chỉ có khoảng giá trị hơn 800 tỷ.

Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc chuyển đổi số VIB đăng ký bán 1,7 triệu cổ phiếu, ông Từ Anh Hào chồng bà Hà cũng đăng ký bán ra 1,7 triệu cổ phiếu mục đích để đầu tư cá nhân.

Còn bà Lê Ngọc Bích, vợ Giám đốc tài chính VIB cũng đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu.

Nếu giao dịch thành công, nhóm này có thể thu về 420 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng TMCP An Bình, bà Đỗ Hương Giang, em dâu Phó chủ tịch HĐQT Vũ Văn Tiền đã bán ra toàn bộ 1,5 triệu cổ phiếu, ước thu về khoảng 27 tỷ đồng.

Tương tự tại SHB, cuối tháng 4, ông Đỗ Vinh Quang con trai của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cũng hoàn tất bán ra 500.000 cổ phiếu SHB, giá thị thu về 12,36 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng các "sếp" và người nhà tại các ngân hàng kể trên, đợt "xả hàng" giữa lúc cổ phiếu ngân hàng dậy sóng ước đã thu gần 2.300 tỷ đồng.

Nếu ước tính theo mức biến động thấp nhất trong các mã cổ phiếu kể trên là 65,7% (mức tăng của cổ phiếu EIB) từ đầu năm đến nay, "sếp" ngân hàng và người nhà đã bỏ túi ít nhất 900 tỷ đồng tiền lãi so với đầu năm.

N.Minh
Cùng chuyên mục