Sức trẻ khởi nghiệp trong cách mạng nông nghiệp 4.0
Công nghiệp 4.0 đang dần giúp cho nông nghiệp có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ tạo ra cơ hội đa dạng cho người dân, doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp. Trong những năm vừa qua, nền nông nghiệp đã không ngừng phát triển, từng bước được hiện đại hoá, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 36,44 tỷ USD và năm 2018 đã phấn đấu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 40 tỷ USD.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đang được nhiều startup trẻ Việt Nam quan tâm
Bằng chiến lược kinh doanh đúng đắn, các startup trẻ đã phất lên như “diều gặp gió” trở thành những "tấm gương" sáng tiên phong đầu tư công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như hành trình tìm hướng đi mới cho hạt muối Bạch Long của anh Phạm Văn Cương- người sáng lập ra công ty TNHH Muối và thương mại Nam Hải.
Sinh ra và gắn bó với nghề làm muối từ nhỏ ở Nam Định, anh Cương nhận thấy giá muối địa phương anh thấp hơn so với giá thị trường. Sau một thời gian tìm hiểu mô hình làm muối sạch, anh Cương quyết định đầu tư hệ thống máy móc chế biến muối hiện đại, tăng năng suất, giảm nhân lực. Nhà máy của anh còn thiết kế hệ thống nhà chứa nước chạt (nước biển để phơi lấy muối) được che phủ bằng màng chống thấm HDPE, giúp tận dụng nhiệt độ bức xạ làm muối khô nhanh hơn kể cả trong điều kiện thời tiết xấu.
Sản phẩm mới của anh đã đạt được hiệu quả cao thay thế cho sản phẩm kém chất lượng, chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trước đó. Chỉ sau một thời gian ngắn, sản lượng muối của công ty anh đã đạt tới 1.000 tấn mỗi tháng và có mặt trên khắp cả nước. Năm 2014, anh được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Với tầm nhìn và hướng đi đầu tư khác, chị Phạm Phương Thảo đã quyết định bán căn hộ đầu tiên của mình để thành lập Organica. Từ lâu, chị đã nung nấu ý định tự canh tác nông sản hữu cơ sau khi mở một cửa hàng thực phẩm hữu cơ, với sản phẩm được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Cho tới tháng 10/2015, sản phẩm của Organica mà nay chị là tổng giám đốc đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Chị chia sẻ rằng: Không cảm thấy đơn lẻ trên con đường khởi nghiệp của mình vì hiện nay đã có nhiều bạn trẻ dấn thân vào khởi nghiệp nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ còn là lĩnh vực thu hút anh Trần Thái Dương - thạc sĩ trẻ sở hữu hai bằng về Tài chính ứng dụng và Quản trị kinh doanh tại Australia. Sau khi trở về Việt Nam, anh Dương đã mở trang trại Skyfarm với mô hình trồng cà chua bi trong lồng kính áp dụng những tiến bộ khoa học của Israel vào sản xuất.
Anh Trần Thái Dương- chủ trang trại skyfarm với mô hình cà chua bi trong lồng
Tại đây, cà chua được trồng và canh tác trong nhà kính, cách ly với những biến đổi của môi trường bên ngoài. Nông trại luôn ở trạng thái vô trùng nên vi sinh vật hại bên ngoài không thể xâm nhập vào. Công nghệ hữu cơ vi sinh EM (Effective Microorganism) cũng được ứng dụng, nhờ đó, cà chua thương phẩm đạt chất lượng cao và hình thức đồng đều. Từ đó, mô hình trồng cà chua của anh Dương đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông trại Skyfarm chuyên canh cà chua của anh Dương đã đạt chứng chỉ Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu – GlobalGAP.
Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ góp phần làm cho ngành nông nghiệp tăng trưởng từ 30 đến 40% (tính theo từng lĩnh vực). Con số này sẽ còn cao hơn nữa nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt và chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm, tuy số lượng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, nhưng từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành, đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp từ các doanh nghiệp và địa phương. Đồng thời, được thực hiện lồng ghép trong các nhiệm vụ phát triển ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình khoa học công nghệ cấp bộ, cấp nhà nước.