Tân Hoàng Minh và Bình Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm: ‘Đấu giá đất không thể bốc đồng’
Liên quan đến trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, "nối gót" Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc, những ngày gần đây thị trường tiếp tục xôn xao với thông tin Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Doanh nghiệp Bình Minh) đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục thuế TP.HCM có nội dung "xin không tiếp tục thực hiện dự án tại lô đất đã trúng đấu giá ở Thủ Thiêm".
Cũng theo thông tin từ Cục Thuế TPHCM xác nhận, 2 đơn vị còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã chậm nộp tiền đợt 1 (theo quy định các doanh nghiệp phải nộp 50% tiền sử dụng đất trước ngày 6/2).
Ông nhận định như thế nào về động thái của các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm như kể trên?
-Tôi cho rằng khả năng rất cao tất cả doanh nghiệp trúng đầu giá đất Thủ Thiêm này đã bỏ cọc.
Việc có thêm doanh nghiệp bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm cũng là điều tất yếu, khi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong thời gian qua đã có những hành động kiểm tra, rà soát nguồn tín dụng tham gia đấu thầu. Tôi cho rằng, đây là tín hiệu tích cực từ các cơ quan quản lý tài chính tiền tệ để kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường nhằm kích động giá.
Khác với Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp Bình Minh xin "không tiếp tục dự án" sau khi trúng đấu giá đất Thủ Thiêm mới đây là một doanh nghiệp còn rất "trẻ", vốn điều lệ rất nhỏ so với mức giá trúng đấu giá (5.000 tỷ đồng), điều này cho thấy điều gì?
- Trong các quy định về đấu thầu và đấu giá hiện nay có những kẽ hở thực sự nói lên chất lượng các cuộc đấu giá, không những không đảm bảo yếu tố minh bạch mà còn không đảm bảo khả năng cuộc đấu giá có thể thực hiện được.
Nếu không khắc phục mà cứ để tình trạng như vậy thì trong tương lai sẽ còn lặp lại trường hợp đấu giá xong rồi bỏ cọc. Tất nhiên, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có khi có những lý do rất đơn giản đó là vì khi đứng ở giữa thị trường đấu giá thì doanh nghiệp có tâm trạng "ham mồi", muốn mua cho bằng được mà không tính đến nền tảng tài chính công ty, tức là tâm trạng của người đấu giá và nền tảng tài chính không ăn nhập gì với nhau.
Tôi cho rằng phải có quy định giá sàn đấu giá, ví dụ để đấu giá lô đất 1.000 tỷ thì công ty đấu giá phải có vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu cao hơn 1.000 tỷ, tức cao hơn sàn giá đưa ra chẳng hạn.
Việc liên tiếp có doanh nghiệp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất Thủ Thiêm ảnh hưởng thế nào tới thị trường bất động sản, thưa ông?
- Vụ việc các doanh nghiệp bỏ cọc chứng tỏ thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nền tảng ổn định, không dễ dàng bị kích động và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn chung tôi cho rằng các doanh nghiệp bỏ cọc không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chung vì sau này các cuộc đấu giá sẽ trở nên thận trọng hơn, không thể 'bốc đồng' như thời gian vừa qua được. Vụ việc sẽ tạo ra một cách nhìn nhận tương đối kỷ luật hơn trong đấu giá bất động sản khi tất cả các cuộc đấu giá được rà soát kỹ lưỡng, tránh tình trạng lũng đoạn, "quân xanh quân đỏ". Đấu giá trở nên minh bạch hơn, nghiêm túc hơn.
Về mặt bằng giá, sau khi các doanh nghiệp bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm với mức giá trúng thầu cao chót vót, giá bất động sản sẽ có ít đột biến mà phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung. Điều này hỗ trợ việc ổn định giá đền bù giải phóng mặt bằng cho các công trình. Nó cũng giúp kích hoạt các cuộc đấu giá đất bị trì hoãn trong vài tháng qua tại nhiều địa phương sôi động trở lại, giúp tạo thêm nguồn cung mới cho thị trường bất động sản, qua đó vô hình chung ổn định giá bất động sản trong dài hạn.
Với những diễn biến đáng chú ý ngay từ đầu năm như vậy, ông đánh giá ra sao về triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2022?
- Các doanh nghiệp bỏ cọc các lô đất ở Thủ Thiêm không có nhiều tác động lớn đến thị trường nhưng nói như vậy không có nghĩa giá bất động sản không tăng. Giá có thể vẫn tăng và thiết lập mặt bằng giá mới, nhất là ở phân khúc đất nền và nhà ở, chủ yếu do nguồn cung khan hiếm và tình trạng đầu cơ vẫn còn. Tuy nhiên tôi dự báo mức tăng ổn định hơn, không quá nóng như năm qua.
Vâng xin cảm ơn ông!
Trong những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước liên tục kiểm soát chặt dòng tiền chảy tín dụng vào bất động sản. Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng một lần nữa nhấn mạnh kiểm soát chặt hơn nữa tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, BOT, trái phiếu doanh nghiệp.
Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn "dọa", năm 2022, có thể tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng cho một số dự án, doanh nghiệp.
Việc NHNN yêu cầu hàng loạt ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng cấp tín dụng với các đối tượng tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm, bao gồm cả cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… được coi là cú ra đòn đầu tiên của NHNN đối với tín dụng bất động sản đầu cơ, ngay ngày đầu tiên làm việc của năm 2022.
Hệ quả nhãn tiền là sau khi Ngân hàng Nhà nước tuýt còi tín dụng, một loạt ngân hàng TMCP lên tiếng khẳng định không cấp tín dụng cho các đối tượng trên và đã có tập đoàn bất động sản lên tiếng bỏ cọc lô đất vàng Thủ Thiêm.