Tạo "nền móng" đưa thị trường bất động sản 2025 vào chu kỳ mới
Thị trường bất động sản bước qua năm “bản lề” 2024
Năm 2024 được giới chuyên gia đánh giá là năm bản lề của thị trường bất động sản Việt Nam, nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trong quý I/2024, thị trường bất động sản đón nhận một lượng lớn các môi giới bất động sản, sàn giao dịch quay trở lại thị trường. Điều này do các chủ đầu tư bắt đầu triển khai hàng loạt dự án với quy mô ngày càng lớn. Các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt.

Đến quý II/2024, đà phục hồi của thị trường tiếp tục được duy trì, nguồn cung và lượng giao dịch trong quý tăng trưởng mạnh, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, thông tin các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực sớm cũng tiếp thêm niềm tin cho các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sẵn sàng tái nhập cuộc.
Sang đến quý III/2024, các quy định pháp lý về nhà ở, đất đai và kinh doanh bất động sản được chính thức “bấm nút” có hiệu lực sớm. Thị trường bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu thể hiện sự “tăng nhiệt”, đặc biệt với những cuộc đấu giá đất tại khu vực vùng ven Hà Nội “nóng” lên. Sức nóng của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, có mặt bằng giá liên tục tăng cao, thiết lập mặt bằng mới trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Trong quý IV/2024, trước sự “ấm” lên của thị trường, nhiều chủ đầu tư bất động sản thay đổi kế hoạch, “tung” hàng sớm hơn dự kiến, kèm nhiều chính sách ưu đãi, giúp nguồn cung nhà ở “vượt” dự báo. Nguồn cung nhà ở bắt đầu tăng trưởng mạnh, ngày càng nhiều các dự án quy mô lớn mở bán vào thời điểm cuối năm, cùng các chính sách thanh toán ưu đãi.
Hoàn thiện khung pháp lý là “bước đệm” cho thị trường bất động sản bứt phá
Một trong những yếu tố quan trọng tác động lớn đến sự phát triển của thị trường bất động sản là sự cải thiện về mặt pháp lý, khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Trong đó, điểm nổi bật trong Luật Đất đai 2024 là quy định loại bỏ khung giá đất, thay vào đó áp dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, giúp giảm khoảng cách giữa giá đất thực tế và giá đất theo quy định. Từ năm 2026, bảng giá đất sẽ ban hành hàng năm.
Luật Nhà ở 2023 đã mở rộng phạm vi các đối tượng được mua và thuê nhà ở xã hội, đồng thời hỗ trợ chính sách cho phân khúc nhà ở bình dân. Đặc biệt, các căn hộ chung cư mini cũng sẽ được cấp sổ hồng, tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở một cách hợp pháp.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định thắt chặt quản lý hoạt động môi giới bất động sản, yêu cầu các nhà môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Quy định mới này sẽ loại bỏ nhiều môi giới bất động sản không chuyên, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tuân thủ đúng chủ trương của Chính phủ.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc 3 luật liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản được nghiên cứu sửa đổi và ban hành cùng thời điểm có thể tạo ra tính thống nhất trong quy định, khắc phục một số trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo như đã xảy ra trước đây.
Đặc biệt, các dự án trước đây bị ách tắc vì vướng phải các thủ tục pháp lý nay có thể triển khai thuận lợi hơn, giúp tăng nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Pháp lý rõ ràng không chỉ giúp các chủ đầu tư dễ dàng triển khai dự án mà còn tạo ra một môi trường minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM nhận định các vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản thì 70% liên quan đến pháp lý. Có thể kể đến như: xác định tiền sử dụng đất, phê duyệt đầu tư dự án, đấu thầu dự án… Thực tế, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy cả nước năm 2023 có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc chủ yếu về mặt pháp lý.
“Việc áp dụng sớm 3 luật sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì có thể xử lý được nhiều vướng mắc pháp lý của dự án bất động sản”, ông Châu chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, các bộ Luật mới sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường. Bởi lẽ các bộ Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến là nhằm giải quyết các vướng mắc.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng nhận định việc giải quyết các vấn đề pháp lý là điều kiện tiên quyết để tăng tính hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Chính sự cải thiện này đã góp phần thúc đẩy lượng giao dịch bất động sản tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong năm 2025.