Tạo ra 36 triệu việc làm trong năm, TikTok đang "cứu" thị trường lao động Trung Quốc sau dịch Covid-19

11/09/2020 12:13 GMT+7
Một báo cáo mới đây cho thấy ứng dụng TikTok đã tạo ra 36 triệu việc làm tại Trung Quốc trong thời gian 12 tháng kể từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2020.
Tạo ra 36 triệu việc làm trong năm, TikTok đang "cứu" thị trường lao động Trung Quốc sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

TikTok tạo ra 36 triệu việc làm cho Trung Quốc trong 12 tháng

Douyin (phiên bản TikTok riêng cho thị trường Trung Quốc) dự kiến đã tạo ra 36 triệu việc làm thuộc lĩnh vực video và phát trực tiếp chỉ trong 12 tháng qua, tính đến tháng 8/2020.

Trong số 36 triệu việc làm này, khoảng 20 triệu người thực hiện các công việc như tạo nội dung cá nhân và tổ chức phát trực tiếp, 8,6 triệu người khác thực hiện các công việc hậu cần liên quan. Số còn lại đến từ các tài khoản Douyin của doanh nghiệp, đối tượng đang thúc đẩy quản lý và bán hàng đa kênh; theo báo cáo được thực hiện bởi TikTok phối hợp với Đại học Renmin.

Báo cáo của Douyin cũng chỉ ra rằng khoảng 20,97 người phát trực tiếp đã tạo được thu nhập thông qua quà tặng từ fan, hợp đồng quảng cáo, doanh thu bán sản phẩm cũng các nguồn thu nhập khác. Hơn một nửa trong số đó có tuổi đời chưa đến 30.

Ngoài ra, theo phía TikTok Trung Quốc, số việc làm gián tiếp tạo ra trong nền kinh tế nhờ ứng dụng này cũng lên tới 560.000 nghìn việc làm, từ các ngành nghề như sản xuất, bảo trì thiết bị quay phát trực tiếp...

Ngành công nghiệp phát trực tiếp đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng tại Trung Quốc với lượng tuyển dụng tăng đột biến trong năm nay, sau khi đại dịch Covid-19 làm tổn thương hầu hết các ngành kinh doanh khác bao gồm cả sản xuất và dịch vụ. Đại dịch cũng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp bán hàng qua kênh trực tuyến, qua đó đưa các ứng dụng video như TikTok (Douyin) tăng trưởng nóng. 

Những người tạo video và phát trực tuyến giờ đây được gọi là “chuyên gia tiếp thị trực tuyến”, một vai trò mới đã được chính phủ Bắc Kinh công nhận trong nỗ lực thúc đẩy thị trường việc làm phục hồi sau cú sốc đại dịch. Bắc Kinh đã đưa nghề nghiêp này vào khung các công việc tự do bán thời gian. Bằng cách đó, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm nay có thể phát trực tiếp tại nhà mà không bị tính là thất nghiệp sau tốt nghiệp. 

Chỉ tính riêng trong quý II/2020, số tin tuyển dụng việc làm liên quan đến phát trực tiếp đã tăng vọt 200% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến việc tuyển dụng trong ngành giải trí tăng gấp đôi so với quý đầu tiên, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Tuy nhiên, có một thực trạng là sự bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng trong ngành phát trực tiếp. Boss Zhipin, một trang web danh sách việc làm trực tuyến khác của Trung Quốc, cho biết trong một báo cáo thống kê nửa đầu năm 2020 rằng hơn 70% người dẫn phát trực tiếp phải làm việc 10-12 giờ mỗi ngày nhưng chỉ thu nhập dưới 10.000 NDT (khoảng 1.460 USD hàng tháng). Trong khi những tài khoản phát trực tiếp hàng đầu có thể kiếm được ít nhất gấp 10 lần số tiền này. 

Sự bất bình đẳng cũng xuất hiện trong ekip phát trực tiếp, khi thu nhập bình quân của người dẫn phát trực tiếp là khoảng 11.220 NDT/ tháng còn các thành viên khác như sản xuất, quay phim… chỉ kiếm được bình quân hơn 8.800 NDT. 

Tính đến cuối năm 2019, Douyin báo cáo có khoảng 400 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên mỗi ngày. 


Thùy Dung
Cùng chuyên mục