Tập đoàn Điện Quang (DQC) chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, vì đâu?

05/09/2024 07:36 GMT+7
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang (HoSE: DQC) cho biết: do Công ty mẹ và các công ty con điều chỉnh số liệu sau kiểm toán dẫn đến kết quả kinh doanh hợp nhất bị thay đổi.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 sau kiểm toán, Tập đoàn Điện Quang ghi nhận doanh thu giảm 15% so với cùng kỳ, về 375,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 2,5 tỷ đồng, từ mức lãi hơn 880 triệu về mức lỗ 2,16 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 1,25 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 31,5% về 22,1%.

Vì sao Tập đoàn Điện Quang (DQC) chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán? - Ảnh 1.

(nguồn: Tập đoàn Điện Quang)

Được biết, mức doanh thu này tăng 8,6% so với trước kiểm toán, tương ứng tăng thêm 29,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu tài chính khác cũng có sự biến động. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 8,6 tỷ đồng lên mức 99,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng giảm 1,6 tỷ xuống còn gần 37 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng nhẹ lên mức 41,7 tỷ đồng.

Theo biên bản giải trình, ban lãnh đạo Công ty cho biết: do Công ty mẹ và các công ty con điều chỉnh số liệu sau kiểm toán dẫn đến kết quả kinh doanh hợp nhất bị thay đổi.

Trong năm 2024, Điện Quang lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 20 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả kinh doanh trên, Công ty mới chỉ thực hiện hơn 37% kế hoạch doanh thu nhưng còn cách rất xa kế hoạch lãi năm.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Điện Quang có hơn 1.370 tỷ đồng, giảm 5,1% so với hồi đầu năm. Công ty chỉ có hơn 22,4 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Chiếm phần lớn là từ các khoản phải thu ngắn hạn với hơn 450,6 tỷ đồng; hơn 320 tỷ đồng tài sản cố định và còn lại từ các khoản mục khác.

Trong báo cáo hợp nhất bán niên, Công ty đăng tải thiếu trang 30 và 31, tương ứng không có thuyết minh chi tiết về các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm: phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn và phải thu ngắn hạn khác.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Điện Quang có hơn 470 tỷ đồng. Trong đó có hơn 209 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính.

Cụ thể, Công ty có hơn 191,3 tỷ đồng vay ngắn hạn tại các ngân hàng; hơn 10,2 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn phải trả và còn lại gần 7,7 tỷ đồng là khoản vay dài hạn tại Shinhan Bank.

Các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng phần lớn đều không có tài sản đảm bảo. Chỉ riêng các khoản vay tại Vietcombank được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu dân cư Himlam thành phố Hồ Chí Minh. Khoản vay tại HDBank cũng được đảm bảo bằng tài sản của bên thứ ba gồm Bất động sản toạ lạc tại căn hộ chung cư C14.4 Riverpark Thành phố Hồ Chí Minh.

Về khoản vay các cá nhân, đây là các khoản vay có thời hạn dưới 12 tháng và lãi suất từ 7 đến 9%/năm và không có tài sản đảm bảo.

Vì sao Tập đoàn Điện Quang (DQC) chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán? - Ảnh 2.

(nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024)

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/9, giá cổ phiếu DQC giảm 2,51% so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 13.600 đồng/cổ phiếu.

Ở diễn biến khác, trước đó, Điện Quang đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở vì chậm trễ trong việc công bố thông tin.

Cụ thể, ngày 19/8, HoSE mới nhận được văn bản công bố thông tin ngày 15/8 của Điện Quang liên quan đến các Nghị quyết Hội đồng quản trị ký từ ngày 19/3 về việc chấm dứt hoạt động của một số chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

Theo quy định, Điện Quang đã không tuân thủ đúng thời hạn này, dẫn đến việc HoSE nhắc nhở công ty nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục