Thế giới 'buộc' phải thay đổi - Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là tất yếu?
Hai yếu tố then chốt "buộc" thế giới phải thay đổi
Ông Tim Evans chỉ ra, thứ nhất, chỉ tính riêng những tiến bộ về công nghệ diễn ra trong một thập kỷ vừa qua cũng đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta.
Cách đây 10 năm, sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có thể là điều gì đó quá xa xỉ đối với nhiều người. Giờ đây, thiết bị này đã trở thành một phần gắn liền với cuộc sống của gần 70 triệu người ở Việt Nam. Chưa hết, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, máy học và khoa học người máy đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nhiều ngành nghề, từ y tế đến sản xuất và kể cả ngành ngân hàng. Chẳng hạn, ChatGPT đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cỗ máy tìm kiếm thông thường và đó mới chỉ là một ví dụ nhỏ trong "vũ trụ AI".
Những chuyên gia vừa nhận Giải thưởng Nobel mới đây trong lĩnh vực vật lý và hóa học đều là những người khởi xướng công nghệ mới và nhấn mạnh tác động đối với lĩnh vực AI liên quan. Theo McKinsey, AI tạo sinh là một trong hai xu hướng nổi bật nhất của năm 2023.
"Chúng ta cũng chưa quên một sự thật rằng chính đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tốc độ của công cuộc chuyển đổi số. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ như công cụ làm việc từ xa, thương mại điện tử và dịch vụ y tế từ xa. Giờ đây, khi đại dịch đã ở lại sau lưng chúng ta, sự phổ biến của số hóa vẫn còn tiếp diễn", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh.
Một yếu tố then chốt nữa đang ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta chính là biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể nghĩ đây là một tiến trình chậm chạp, đi theo một lộ trình tương đối dễ đoán, thậm chí dễ xử lý. Trên thực tế, hậu quả của tình trạng trái đất nóng lên vẫn đang diễn ra, kéo theo một loạt thiên tai mà sau này sẽ đưa chúng ta đến ngưỡng không thể vãn hồi.
Liên hợp quốc ước tính đến cuối thế kỷ này, trái đất sẽ nóng thêm 3°C dù hàng loạt cam kết cân bằng phát thải được công bố trên khắp thế giới để nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm nay ước tính gần 3,5 tỷ người đang sống trong những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Ước tính của Ngân hàng Thế giới thậm chí còn cao hơn. Theo Nghiên cứu Chính sách công bố tháng 11/2023 của tổ chức này, 4,5 tỷ người đang bị ảnh hưởng bởi những sự kiện thời tiết cực đoan như ngập lụt, hạn hán, lốc xoáy hoặc nắng nóng gay gắt.
Tổ chức này cũng cảnh báo rằng Việt Nam là một trong năm quốc gia đứng đầu về khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu sẽ giảm thu nhập quốc dân của Việt Nam lên đến 3,5% GDP vào năm 2050.
"Khí hậu đang thay đổi. Và chúng ta cũng phải vậy", theo ông Tim Evans. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch hướng đến nền kinh tế cân bằng phát thải toàn cầu để giữ mức tăng nhiệt độ nóng lên của trái đất ở mức 1,5°C: mức tăng để có được nền khí hậu an toàn theo IPCC, được ủng hộ bởi cộng đồng khoa học toàn cầu cũng như thông qua Hiệp định Paris.
Tính đến nay, khoảng 150 quốc gia đã công bố mục tiêu cân bằng phát thải, cũng như rất nhiều khu vực, thành phố và doanh nghiệp. Năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam lần đầu tiên đặt mục tiêu đạt cân bằng phát thải vào năm 2050.
Bền vững từng là "sân chơi" của các doanh nghiệp FDI...
Theo ông Tim Evans, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ để đón bắt hai xu thế nêu trên. Chẳng hạn, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh.
Bền vững từng là "sân chơi" của các doanh nghiệp FDI bởi họ có xu hướng tuân theo chính sách và chiến lược của công ty mẹ ở những quốc gia khác - nơi xu hướng ESG phát triển hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, nhận thức của doanh nghiệp trong nước đã tăng lên.
Theo khảo sát của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân thực hiện.
Rõ ràng, thay đổi không phải là một lựa chọn mà là điều cần thiết đối với doanh nghiệp. Và thay đổi cũng mang lại lợi ích. Chuyển đổi số trở thành một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh trước tình hình cạnh tranh gia tăng và nhu cầu khách hàng biến đổi.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bứt phá để mang lại sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, phần nhiều nhờ công nghệ tiên tiến. Một số lợi ích chính có thể kể ra như hiệu quả, cải thiện trải nghiệm người dùng và khách hàng, có thêm thông tin chuyên sâu chính xác…
Mặt khác, những doanh nghiệp không tiến hành giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm lòng tin ở những bên liên quan như người lao động, nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Và bản thân doanh nghiệp của họ cũng không được bảo vệ vững vàng trước những rủi ro khí hậu trong tương lai.