Thị trường cà phê: Giá xuống thấp, nông dân "ghim" hàng

14/12/2019 06:55 GMT+7
Trong bối cảnh cà phê rớt giá thê thảm, người trồng cà phê thì đuối sức, thách thức đổi mới là tất yếu nếu như không muốn cà phê Việt dần mất vị thế trên trường quốc tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11/2019, xuất khẩu cà phê giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá cà phê trong nước liên tục sụt giảm và đang ở mức đáy trong vòng 10 năm qua. Hiện giá cà phê nhân xô tại vùng nguyên liệu đã xuống dưới 34.000 đồng/kg.

Thị trường cà phê: Giá xuống thấp, nông dân "ghim" hàng - Ảnh 1.

Nguyên nhân giá cà phê xuống thấp là bởi Brazil, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới được mùa, khiến nguồn cung trên thế giới dư thừa. Một lái thương tại Tây Nguyên cho biết giá cà phê vẫn rất thấp theo xu hướng giá toàn cầu. Giá thấp không khuyến khích nông dân thu hoạch cà phê. Nhưng điều này sẽ dẫn tới tỷ lệ quả chín cao trong vụ thu hoạch đảm bảo chất lượng cà phê.

Nếu như các năm trước, giá cà phê ở mức khoảng 37.000 đồng/kg, người dân vẫn có lãi. Nhưng với mức giá thấp kỷ lục như năm nay, các hộ nông dân phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng cho mỗi ha. Có thời điểm, giá cà phê Robusta tại Lâm Đồng chỉ còn 29.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Các chuyên gia nhận định, để ổn định giá thì cần tìm đầu ra cho ngành cà phê Việt Nam thông qua việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, vai trò kết nối giữa nông dân và các doanh nghiệp lớn để nhằm hỗ trợ về kỹ thuật canh tác và kinh doanh cà phê bền vững, từ đó, giúp tăng chất lượng hạt cà phê, ổn định đầu ra và tránh tình trạng được mùa, mất giá.

Trong bối cảnh giá cà phê thấp, ngành cà phê Việt Nam đang dần chuyển mình sang chế biến cà phê, tăng giá trị cho sản phẩm, tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê hòa tan, cà phê rang xay, Bộ NN&PTNT định hướng đến năm 2020, sẽ có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan.

Giá xuống thấp liên tục cũng là cơ hội để nhìn lại toàn ngành cà phê. Không chỉ là những thách thức, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt lại nhìn nhận cuộc khủng hoảng giá hiện nay là cơ hội để thay thế nguồn giống cà phê mới, cho năng suất cao hơn. "Việt Nam xác định khi đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do thì chuyện giá lên xuống là tất yếu theo quy luật thị trường. Việc cần thiết là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ từ kỹ thuật, tài chính đến thống tin để người trồng điều chỉnh việc sản xuất".

Mai Trang
Cùng chuyên mục