Thiếu vật liệu cát đắp cao tốc, tính toán nhập cát từ Campuchia
Lý do được Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, dù nguồn cung đã được xác định đủ, song công suất khai thác cát còn hạn chế. Công suất thực tế có thể đưa về công trường 56.000m3 trong khi nhu cầu khoảng 76.000m3/ngày. Bình quân chỉ đạt trung bình 50.000m3/ngày.
Với lượng cát còn thiếu trong năm 2024 khoảng 600.000m3, đơn vị đang tích cực làm việc với các mỏ ở Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và tính toán đến cả việc lấy cát từ Campuchia.
Bám sát dự án Cần Thơ - Cà Mau từ giai đoạn đầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá, giải pháp thi công hai dự án thành phần đã được xác định rõ. Quan trọng nhất bây giờ là tổ chức thi công.
"Đến ngày 31/12, công tác gia tải cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bắt buộc phải hoàn thành", Thứ trưởng Lâm yêu cầu, đồng thời đánh giá, hiện tại, dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM mới đạt 19% sản lượng.
Nhu cầu vật liệu cát cần hơn 9.000.000m3 nhưng hiện mới đưa về công trường 1.800.000m3. Đáp ứng thời gian về đích, phương án lấy cát thương mại từ Campuchia đang được nghiên cứu. Cục Đường cao tốc phải làm việc với chủ đầu tư rà soát khó khăn, làm rõ khả năng cung ứng vật liệu.
Theo Thứ trưởng Lâm, với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nằm ở nhóm dự án 3, Đồng Tháp rất quyết tâm đưa về đích năm 2025, nhưng khó khăn lớn nhất là thi công đất yếu. Việc cung cấp cát gia tải chờ lún ra sao để kịp hoàn thành trong năm 2025 cần làm rõ.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề vật liệu thi công các dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, cần tính toán kỹ nguồn vật liệu song song với tháo gỡ mặt bằng.
"Ngay cả khi dùng đá thay cát thi công nền thì vẫn phải nỗ lực làm thủ tục nâng công suất các mỏ cát, duy trì nguồn vật liệu thi công.
Chủ đầu tư phải tính toán kỹ, trong bối cảnh vật liệu không đảm bảo, thời gian gia tải kéo dài thêm, tức là thời gian thi công ngắn lại, khi tổ chức thi công móng mặt đồng loạt, nhà thầu có đảm bảo được thiết bị, con người không? Công địa có đủ điều kiện để máy móc trải ra làm không?", Bộ trưởng lưu ý.