Thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ như rau, tràn lan trên mạng xã hội

11/11/2020 06:45 GMT+7
Thịt lợn nhập khẩu vào nước ta trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng rất mạnh cả về lượng lẫn giá trị, với mức tăng tới 3 con số. Giá các loại thịt lợn nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với giá thịt lợn trong nước.

Thịt lợn nhập khẩu tăng trưởng 3 con số

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2020, thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam là 90,42 nghìn tấn, gồm thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 214,78 triệu USD, tăng tới 357% về lượng và tăng 460,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Hoa Kỳ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn nhập khẩu cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020.

Thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ như rau, tràn ra thị trường - Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam là 90,42 nghìn tấn tăng tới 357% về lượng và tăng 460,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn của Việt Nam trong năm 2020 dự báo sẽ đạt 2,24 triệu tấn, giảm gần 6% so với năm 2019. Tuy nhiên, sản lượng thịt lợn được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2021, đạt 2,35 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm 2020.

Tiêu thụ thịt lợn ở Việt Nam cũng dự kiến phục hồi trong năm 2021, đạt 2,49 triệu tấn, tăng so với mức 2,39 triệu tấn của năm 2020.

Thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ như rau, tràn ra thị trường

Theo thông tin trên Vietnamnet, nhập khẩu về nhiều, mặt hàng này đang xuất hiện tràn ngập trên thị trường. Từ siêu thị cho tới "chợ mạng", người tiêu dùng tiêu dùng dễ dàng mua các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu như: sườn cánh buồm, thịt ba chỉ, móng giò, chân giò, tai lợn, nạc xay tới các loại phụ phẩm lợn,...

Thịt lợn nhập khẩu còn được các đầu mối rao bán với giá siêu rẻ, nhiều mặt hàng có giá rẻ như rau ngoài chợ.

Trong bối cảnh giá heo nội đắt đỏ thì trên mạng xã hội Facebook rao bán thịt heo ngoại nhập siêu rẻ, có khi chỉ bằng 1/4 so với giá heo trong nước. Theo đó, chỉ cần gõ cụm từ “thịt heo nhập khẩu”, ngay lập tức hàng loạt địa điểm bán hàng hiện ra. Tại một trang chuyên bán thịt heo nhập khẩu đông lạnh, giá bán thịt cốt lết, giò heo ngoại nhập từ Đức, Ý, Canada… chỉ từ vài chục ngàn.

Ví dụ như các loại thịt ba chỉ nhập khẩu từ Nga, nạc vai, nạc đùi, tai lợn hàng Đức được rao bán 70.000-75.000 đồng/kg; sườn cánh buồm 86.000-90.000 đồng/kg; mỡ lưng, bì lưng 32.000-35.000 đồng/kg; thịt nạc xay Đức giá 43.000 đồng/kg; sụn non Mỹ giá 90.000 đồng/kg; khoanh bắp giò 65.000 đồng/kg; móng giò sau 35.000 đồng/kg; xương ống lợn 27.000 đồng/kg; tim lợn 55.000 đồng/kg,...

Thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ như rau, tràn ra thị trường - Ảnh 2.

Thịt lợn nhập khẩu có giá chỉ vài chục ngàn/kg bán tràn lan trên mạng xã hội

Một số hệ thống siêu thị còn tổ chức tuần lễ thịt lợn nhập khẩu để kích cầu tiêu dùng đối với mặt hàng này.

Không chỉ xuất hiện trên "chợ mạng" cũng như tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ, dịp này, thịt lợn nhập khẩu còn tràn ra vỉa hè nhiều tuyến phố ở TP.HCM, giá bán lẻ chỉ 50.000-100.000 đồng/kg xương, thịt ba chỉ, chân giò.

Trên Pháp luật TP.HCM, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết giá thành chăn nuôi của các nước đang xuất khẩu thịt heo cũng như các loại thịt khác vào Việt Nam đều thấp. Nguyên do là họ có ngành chăn nuôi lâu đời, con giống chất lượng, nuôi quy mô công nghiệp, quy trình giết mổ theo chuỗi khép kín nên giảm chi phí xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, ông Bình hoài nghi về chất lượng thịt heo nhập khẩu đang rao bán rầm rộ trên mạng với giá quá rẻ, chỉ 40.000-60.000 đồng/kg. “Đây có thể đó là các loại thịt mà người tiêu dùng ở các nước xuất khẩu không ăn nhiều như chân giò, móng giò, các loại xương, loại thịt có mỡ nhiều… Hơn nữa, mức giá này bắt buộc người mua phải mua số lượng lớn cho một đơn hàng” - ông Bình lưu ý.

Ông cũng cho rằng đối với các sản phẩm thịt mua trên mạng xã hội, người mua nên yêu cầu người bán cung cấp giấy tờ xuất xứ vì không loại trừ đây là các lô hàng tồn để lâu không bán được dẫn đến cận đát, sắp hoặc đã quá hạn sử dụng nên bán tháo kiểu được đồng nào hay đồng nấy. “Các loại thịt này có thể sẽ không còn giá trị dinh dưỡng, thậm chí nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe” - ông Bình cảnh báo.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về chất lượng thịt nhập khẩu, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, khẳng định: Thịt nhập khẩu chính ngạch vào nước ta được cơ quan chức năng kiểm tra đều đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các nước mà Việt Nam nhập khẩu thịt chủ yếu là Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga. Các nước này có ngành chăn nuôi công nghiệp phát triển và công nghệ giết mổ hiện đại nên chi phí sản xuất họ thấp, vì vậy giá thành thịt rất cạnh tranh so với các nước khác.

Cũng theo ông Thành, các lô thịt trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng các nước xuất khẩu. Khi về đến cửa khẩu Việt Nam, cơ quan chức năng của nước ta sẽ tiếp tục lấy mẫu từng lô hàng để kiểm tra từ cảm quan cho đến các chỉ tiêu lý hóa, sinh vật, hạn sử dụng... “Khi đảm bảo được các điều kiện này mới được phép thông quan” - ông Thành nói.

PV
Cùng chuyên mục