Thực phẩm Sao Ta (FMC) tiết lộ thị trường có tỷ suất lợi nhuận siêu tốt, sẽ dốc toàn lực để phát triển

10/04/2023 06:35 GMT+7
Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, thị trường Trung Quốc không phù hợp với chiến lược của Công ty. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận ở Nhật Bản rất tốt, theo đó, năm 2023, FMC sẽ tập trung tổng lực để phát triển thị trường này.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023 với một số nội dung quan trọng được thông qua.

Đại hội thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 5.900 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 370 tỷ đồng.

Về phân chia lợi nhuận, đại hội thông qua mức chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp). Cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, dự kiến tối thiểu 20%. Đại hội Ủy quyền cho HĐQT xem xét cho ứng trước số cổ tức ở từng thời điểm phù hợp.

Đại hội thông qua kế hoạch thù lao HĐQT và BKS năm 2023 là 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua phương án thưởng cho HĐQT và BKS, nếu hoàn thành kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ sẽ thưởng 2% trên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ; thưởng 4% trên mức vượt phần lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) tiết lộ thị trường có tỷ suất lợi nhuận siêu tốt, sẽ dốc toàn lực để phát triển - Ảnh 1.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023 với một số nội dung quan trọng được thông qua.

FMC đang cần đất diện tích lớn để nuôi tôm

Trả lời câu hỏi của đại diện Quỹ đầu tư Muddy Waters Asia liên quan đến việc mở rộng vùng nuôi tôm và nhà máy, lãnh đạo FMC cho biết, chi phí đầu tư nuôi tôm khoảng 2 tỷ/ha; chi phí đầu tư xây dựng nhà máy mới khoảng 300 - 400 tỷ đồng. Công suất nhà máy mới là 15.000 tấn và mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2023.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường trầm lắng, hoạt động chỉ khoảng 1 tấn/ngày nên chỉ mang tính chất tập dượt. Chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường thế giới phục hồi, FMC sẽ có nền tảng tăng tốc.

FMC có thặng dư vốn khá tốt, công ty đã tăng vốn điều lệ trước khi có kế hoạch mở rộng vùng nuôi, nên giai đoạn này chưa cần thêm vốn. Sắp tới nếu tìm được quỹ đất đủ rộng, FMC sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi, lúc đó sẽ có nhu cầu vốn.

Hiện Sao Ta đang cần đất nuôi tôm nhưng hiện chưa tìm được nơi diện tích đủ lớn. Với mức lợi nhuận và cổ tức hiện nay, 3 trong năm tới khả năng tích lũy cũng không nhỏ. Kế hoạch tăng vốn trong 3 năm tới cần bao nhiêu/lúc nào hiện chưa rõ nên chưa thể chia sẻ.

Đại diện Công ty chứng khoán FPT hỏi: "FMC mở rộng vùng nuôi tôm thêm 200 ha trong năm 2022, vậy đã sử dụng bao nhiêu % diện tích mới và tỷ lệ tự chủ nguyên liệu của FMC là bao nhiêu %".

Đại diện FMC cho biết, do ảnh hưởng thời tiết nên tiến trình cải tạo ao ở khu mới 200 ha chậm hơn tiến độ. Dự kiến giữa tháng 5 mới xong và thả nuôi hết diện tích. Việt Nam chưa tự chủ được con giống, vấn đề FMC biết lựa chọn con giống nào tốt, phù hợp với điện kiện nuôi của mình.

Thức ăn chăn nuôi Việt Nam quá cao vì người nuôi nhỏ lẻ phải mua thức ăn qua trung gian, đại lý phân phối, FMC có lợi thế hơn do mua thức ăn trực tiếp. Biện pháp để giảm giá thành là giảm chi phí từng yếu tố đầu vào nuôi con tôm như chế phẩm nuôi tôm, thức ăn, con giống... và quan trọng hơn là phải nâng tỷ lệ nuôi thành công. Ở FMC, cố gắng nâng tỷ lệ nuôi thành công cao, chấp nhận chi phí đầu vào cao. Tỷ lệ nuôi thành công của FMC trong 3 năm gần đây là 85%.

Thực phẩm Sao Ta sẽ tập trung tổng lực vào thị trường Nhật Bản

Đại diện Công ty chứng khoán Shinhan Việt Nam hỏi cơ cấu thị trường xuất khẩu của FMC. FMC có áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ?

FMC cho biết, cơ cấu thị trường xuất khẩu 2022 gồm: Nhật, Mỹ, Tây Âu, Úc, Hàn Quốc, tỷ lệ lần lượt đạt 34%, 27%, 22%, 8% và 5%. Sản phẩm của các thị trường không tương đồng về cách chế biến, quy cách, kích cỡ nên không so sánh được về giá. Hiện FMC vẫn bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ. Năm 2016 là 0% duy trì đến nay. Tuy nhiên, mỗi năm Mỹ đều xem xét hành chính nên Việt Nam phải thương lượng với nguyên đơn để duy trì mức 0%.

Về tình hình sản xuất trong quý I/2023 của FMC đạt 74% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận trên 50 tỷ đồng. Quý I, FMC không dám đặt kế hoạch chỉ tiêu vì tình hình còn mông lung nhưng các số liệu đạt được cơ bản tốt.

Đại diện Công ty SHS - Trần Hồng Mây hỏi về hoạt động của nhà máy Tam An và nhà máy Thủy sản Sao Ta, FMC cho biết, hiện Tam An đang quá trình đàm phán và sản xuất, giai đoạn cuối sẽ sản xuất nhiều mặt hàng mới năm 2023. Riêng năm 2022 đạt 20% công suất.

Về nhà máy Thủy sản Sao Ta sẽ có quỹ thời gian để từng bước tập dượt đội ngũ, hình thành nếp hoạt động chuẩn mực hơn. Dự kiến năm 2023, Nhà máy Thủy sản Sao Ta sẽ đạt 20% sản lượng, doanh thu FMC.

Năm 2023, Công ty tập trung thúc đẩy vào thị trường Nhật Bản và giữ ổn định ở Mỹ. Do Nhật có nền tảng, thêm vùng nuôi 203 ha có chứng nhận ASC sẽ thuận lợi thâm nhập thị trường Tây Âu. 

"Tỷ suất lợi nhuận ở Nhật Bản tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế cao. Nên FMC sẽ tập trung tổng lực để phát triển thị trường mục tiêu đề ra. Trung Quốc là thị trường lớn nhưng cũng có hơn 1.000 nhà máy chế biến. Trung Quốc mua tôm nguyên liệu về chế biến trong nước và mua chủ yếu tôm sú (lợi thế của vùng Cà Mau, Bạc Liêu) do vậy không phù hợp với chiến lược của FMC", đại diện FMC nói.


Ong Lý
Cùng chuyên mục