Thương chiến Mỹ Trung tạo đà cho DN Trung Quốc tấn công thị trường Trung Đông, Châu Phi
Chiến lược gia Ben Harburg từ công ty đầu tư mạo hiểm MSA Capital (trụ sở Bắc Kinh) trong một bài chia sẻ với CNBC đã chỉ ra rằng việc Mỹ nỗ lực cấm vận Trung Quốc thông qua trừng phạt thuế quan hay hạn chế thương mại đang buộc doanh nghiệp Trung Quốc phát triển theo hướng tự lực và tìm kiếm các thị trường mới. Chính điều đó đẩy nhanh kế hoạch tấn công thị trường Trung Đông và Châu Phi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Hoạt động sản xuất tự cung tự cấp tách rời chuỗi cung ứng quốc tế đã mang đến cho các doanh nghiệp Trung Quốc những cơ hội mới đầu hấp dẫn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ” - ông Ben Harburg chia sẻ tại Hội nghị công nghệ East Tech West tại Nam Sa, Quảng Châu, Trung Quốc.
“Ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc sẽ cần thêm 5 năm nữa để tự đứng trên đôi chân của mình mà không cần dựa vào chuỗi cung ứng quốc tế” - ông Harburg nói thêm. “Đồng thời, nhu cầu tồn tại bức thiết ở thời điểm này đang đẩy các công ty Trung Quốc đến những thị trường mới nổi, những nơi đang dần cho thấy các điều kiện vô cùng hấp dẫn”.
Nhà phân tích này còn chỉ ra rằng Trung Quốc hiện có tỷ lệ thâm nhập thị trường thương mại điện tử lên tới 30%, trong khi tại Trung Đông, con số này mới chỉ là 2%. Do đó, cơ hội tiếp cận hàng triệu người dùng trực tuyến và thu hút họ vào trong một thị trường thương mại điện tử sôi động bậc nhất toàn cầu là vô cùng lạc quan.
Đồng tình với nhận định của Ben Harburg, ông Rafik Nayed, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Bahrain, Al Salam Bank cũng lưu ý rằng các công ty Trung Quốc hiện đang bị thu hút vào những thị trường mới nổi như Trung Đông, nơi có dân số lên tới nửa tỷ dân và GDP nền kinh tế khu vực ước tính 1,5 nghìn tỷ USD. Đồng thời, những thay đổi trong chính sách của Mỹ với Trung Đông mới đây cũng tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc lấn sân thị trường kinh doanh Trung Đông. “Trong vòng xoáy thay đổi của sự biến động đó, chúng tôi phát hiện ra rằng công nghệ Trung Quốc đang dần tiên tiến hơn những công nghệ Phương Tây mà chúng ta từng sử dụng”.
Để tận dụng làn sóng này, ông Rafix Nayed tiết lộ Ngân hàng Al Salam Bank đã hợp tác với MSA Capital để thành lập một quỹ đầu tư 50 triệu USD hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hoạt động kinh doanh sang khu vực Trung Đông.
Khi được hỏi về những rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến công nghệ Trung Quốc như những gì Mỹ cảnh báo hay không, ông Rafix Nayed khẳng định không cảm thấy thiếu niềm tin hay quan ngại.
Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng trong hơn một năm qua liên quan đến hàng loạt xung đột về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp Nhà nước… Chiến tranh thương mại dần biến tướng thành chiến tranh công nghệ khi Mỹ đưa hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei, Dahua Technology, Hikvision...vào danh sách đen hạn chế thương mại với hàng loạt cáo buộc rủi ro an ninh quốc gia hoặc liên quan đến các hoạt động vi phạm nhân quyền vùng Tân Cương. Đáng nói, đây đều là những tập đoàn công nghệ cốt lõi trong chiến lược Made-in-China 2025 mà chính quyền Tập Cận Bình ban hành hồi năm 2015. Nhà Trắng từ lâu đã nhắm mục tiêu chỉ trích vào chiến lược Made in China 2025 tập trung phát triển 10 ngành công nghệ Trung Quốc mũi nhọn như sản xuất chip, công nghệ hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo… theo hướng tự lực, tự cường, tự chủ.