Tiền đồng "mất giá" khi nới lỏng tiền tệ quy mô lớn
Trong một khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trên 91% doanh nghiệp có quy mô vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ và trên 82% siêu nhỏ cho biết bị tác động tiêu cực của Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoạt động của nền kinh tế đã dần trở lại bình thường sau khi chấm dứt giãn cách xã hội (từ ngày 23/4/2020), nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong tháng 6/2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2019 cũng như các năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 16,4%, nhưng có tới 29.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, khoảng 19.600 doanh nghiệp đang chờ thủ tục cuối cùng trước khi rút khỏi thị trường, trên 7.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể... và trên 22.400 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp là đầu tàu của nền kinh tế, Chính phủ đã sử dụng song hành cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành 2 lần xuống mức từ 3% - 4,5% nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay.
Về chính sách tài khóa, ngoài gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đang được các NHTM triển khai, còn có gói hỗ trợ trị giá 61.580 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua với mục đích hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, còn các biện pháp hỗ trợ khác như: tăng khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; áp dụng các biện pháp hỗ trợ như gia hạn nợ, giảm lãi vay, không phân loại lại nhóm nợ, giảm phí. Gia hạn thời gian nộp thuế và miễn lãi chậm trả, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới.
TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng, "Nếu thực hiện nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn như nhiều nền kinh tế hiện nay thì có thể dẫn đến mất giá nội tệ, môi trường đầu tư trở nên rủi ro hơn, làm trì hoãn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thêm vào đó, việc phòng chống dịch và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách".
"Vì vậy, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động", ông Thế Anh nhận định và cho biết, trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp. Riêng đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần có sự phân loại và tập trung hơn cho từng đối tượng, ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Riêng đối với chính sách tiền tệ, vị chuyên gia đến từ VEPR bổ sung, trong thời điểm hiện nay, chính sách tiền tệ được đánh giá là sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì một số nhu cầu đặc thù sẽ biến mất, theo đó các ngành kinh doanh phục vụ các nhu cầu đó cũng sẽ không trở lại được, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
"Yếu tố lãi suất không hẳn quyết định hành vi đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh vào lúc này. Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn. Tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm nào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và giá trị đồng nội tệ", ông Thế Anh nói.
Tuy nhiên, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn cần các chính sách có tầm nhìn dài hạn nhằm cải thiện nền tảng vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở cho niềm tin xã hội để chuẩn bị cho những bất trắc lớn hơn trong tương lai.
Trong đó, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.