Tố các quốc gia khác nói 'Mỹ đang suy tàn', Ngoại trưởng Blinken kêu gọi Quốc hội hành động ngay
Trong bài phát biểu tại Đại học Maryland, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định chính phủ đang nỗ lực hết mình để vận động Quốc hội thông qua dự luật cơ sở hạ tầng lớn nhằm duy trì và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc. Dự luật có thể được Thượng viện thông qua trong tuần này bao gồm khoản đầu tư 550 tỷ USD cho các ngành công nghiệp sản xuất pin, khoáng sản đất hiếm và nhiều hàng hóa quan trọng khác để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác.
Vị quan chức ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho hay: “Chính phủ Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác gần đây đã đưa ra những lập luận - cả công khai và riêng tư - rằng Mỹ đang suy tàn. Không gì có thể ngăn những suy đoán đó đến nhanh hơn nếu Mỹ không đầu tư một cách nghiêm túc vào công cuộc đổi mới đất nước ngay lúc này”.
Chỉ 3 thập kỷ trước, Mỹ đứng đầu thế giới về chi tiêu cho nghiên cứu về phát triển (dựa trên so sánh với GDP quốc gia) còn Trung Quốc chỉ đứng thứ tám. Giờ đây, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 9 còn Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai, Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn chứng. “Chúng ta có thể làm tốt hơn… Nhưng chúng ta đang tụt lại phía sau. Nhiệm vụ của chúng ta là duy trì lợi thế cạnh tranh và giao lại nó cho các thế hệ tương lai”.
Ngay cả khi dự luật cơ sở hạ tầng mới được thông qua tại Thượng viện, nó cũng phải đối mặt với nhiều thách thức tại Hạ viện trước khi được phê duyệt thành luật chính thức. Đảng Dân chủ kỳ vọng sẽ gộp đạo luật này với một gói cơ sở hạ tầng xã hội trị giá 3,5 nghìn tỷ USD bao gồm chi tiêu cho công tác chăm sóc trẻ em, bảo vệ khí hậu, gói chăm sóc sức khỏe và nhiều chi tiêu phúc lợi xã hội khác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu đã nhận định chính sách đối ngoại có liên kết chặt chẽ với chính sách đối nội. Bài phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định rằng các gói chi tiêu hiện tại sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ trong nhiều thập kỷ tới, từ việc làm và sản xuất trong nước cho tới tầm ảnh hưởng thương mại và ngoại giao của Mỹ trên trường quốc tế. “Sự tách biệt giữa chính sách đối nội và đối ngoại đã không còn nữa. Việc đổi mới trong nước và tăng cường sức mạnh trên trường quốc tế hoàn toàn gắn bó mật thiết với nhau”.
Trong năm qua, Mỹ đã chứng kiến sự cố sập lưới điện ở Texas, sập cầu đường sắt ở Arizona và đóng cửa đường ống dẫn xăng chính tại miền đông nước Mỹ do tin tặc. Do đó, với chính quyền Tổng thống Biden lúc này, việc tái thiết cơ sở hạ tầng của nước Mỹ là một nhiệm vụ trọng tâm.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra hàng loạt đề xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ trên toàn cầu. Chẳng hạn, trong Kế hoạch việc làm cho người Mỹ, ông Biden kêu gọi Quốc hội đầu tư 180 tỷ USD để thúc đẩy “vai trò thống trị của Mỹ trong các công nghệ quan trọng cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu quốc gia”. Ngoài ra còn có lời kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển thông qua Đạo luật CHIPS lưỡng đảng.
Ông Biden cũng đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuỗi cung ứng chip cho nước Mỹ, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ứng chip toàn cầu thiếu hụt sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Mục tiêu dài hạn là thúc đẩy khả năng sản xuất chip trên chính nước Mỹ, thu hút các nhà máy sản xuất chip vốn đã chuyển dịch sang châu Á về nước.
Đầu tháng 4, một số nhà lập pháp lưỡng đảng đã giới thiệu lại Đạo luật Biên giới bất tận vào quy trình lập pháp. Đạo luật đề xuất đổi tên Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thành Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTF). Đây là một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Một ban giám đốc công nghệ sẽ được thành lập dưới danh nghĩa NSTF mới và sẽ được cấp 100 tỷ USD trong vòng 5 năm để “phục hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ quan trọng nhằm xác định khả năng cạnh tranh toàn cầu”. Ban giám đốc sẽ tài trợ cho nghiên cứu trong 10 lĩnh vực công nghệ mới bao gồm trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, robot, khoa học vật liệu, công nghệ truyền thông tiên tiến, v.v.