TP.HCM sắp có xe đạp công cộng, "loại" xe máy cũ để giảm ô nhiễm

22/12/2019 10:07 GMT+7
Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang diễn biến ngày càng phức tạp mà nguyên nhân chính được nhận định là do các hoạt động giao thông vận tải, Sở GTVT TP.HCM vừa khẩn cấp triển khai Kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải năm 2020.

Bên cạnh yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hướng nâng cao tính chống chịu biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các hoạt động thi công, giao thông vận tải, nhóm giải pháp được nhấn mạnh quan trọng nhất là quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải thấp, phát triển hệ thống giao thông công cộng và kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới.

Cụ thể, ngay sau khi được UBND TP chấp thuận chủ trương, Sở GTVT sẽ triển khai thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại khu vực quận 1 nhằm đa dạng hóa các phương thức giao thông đô thị khu vực trung tâm thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Dự kiến tháng 1.2010, Sở cũng sẽ phối hợp cùng Công ty TNHH Grab thí điểm hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm thành phố, đồng thời, kết nối các dịch vụ vận chuyển hiện tại trên ứng dụng Grab với hệ thống giao thông công cộng hiện có của thành phố; khai thác vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện sử dụng năng lượng điện.

Song song, đẩy nhanh việc đầu tư mới phương tiện xe buýt, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch (điện, LPG, CNG, LNG...) để thay thế nhiên liệu truyền thống nhằm phù hợp với đặc tính đô thị và điều kiện giao thông trên địa bàn thành phố. Dự kiến, trong giai đoạn 2019 - 2020, TP sẽ đầu tư 109 xe cho 9 tuyến mới; chuyển đổi, bổ sung xe cho các tuyến hiện hữu là 816 xe (trong đó: 523 xe sử dụng CNG, 91 xe sử dụng CNG GTTC, 171 xe sử dụng Diesel, 31 xe sử dụng Diesel GTTC).

Cũng trong tháng 1, Phòng Quản lý vận tải được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại một số điểm (tại đại lý phục vụ bảo dưỡng) trong nội thành và ngoại thành của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam. Trong quý 1, xây dựng kế hoạch làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra khí thải đối với các xe buýt, ô tô khách, xe tải xả khói đen làm ô nhiễm không khí nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì mức phát thải phương tiện khi tham gia giao thông.

Trong nửa năm cuối 2019, người dân TP.HCM phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).

Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Tính tới ngày 18.8, toàn TP có gần 7,89 triệu phương tiện xe cơ giới, trong đó có 734.806 xe ô tô và gần 7,2 triệu xe gắn máy. Với tốc độ gia tăng "chóng mặt" về số lượng, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Với nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%.

Theo Thanh Niên
Cùng chuyên mục