Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều

21/12/2021 06:33 GMT+7
Nhu cầu của Trung Quốc với mặt hàng sắn vẫn ở mức cao, nhất là vào thời gian cuối năm nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều. Chưa kể dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam nên phía Trung Quốc tiếp tục duy trì kiểm soát rất chặt chẽ việc giao hàng qua cửa khẩu, khiến tiến độ giao sắn rất chậm...

Nguồn cung sắn không còn nhiều, tiến độ giao hàng chậm

Hiện nay, tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam nên phía Trung Quốc tiếp tục duy trì kiểm soát rất chặt chẽ việc giao các mặt hàng sắn qua cửa khẩu, khiến tiến độ giao hàng rất chậm.

Giá chào bán sắn lát khô của Việt Nam đi cảng Trung Quốc ở mức khoảng 270-275 USD/tấn, FOB Quy Nhơn. Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá khoảng 500-505 USD/tấn, FOB cảng TP.Hồ Chí Minh, do thiếu nguyên liệu đầu vào chạy máy và giá củ sắn tươi cao.

Tại khu vực miền Trung Tây Nguyên, hầu hết các nhà máy vẫn giữ giá thu mua sắn củ tươi ở mức cao do ảnh hưởng của mưa lũ, khiến nguồn cung sắn đưa về nhà máy đạt thấp. Nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn nội địa tốt hơn khi hầu hết các nhà máy tại Đồng Nai, Bình Dương sản xuất bình thường trở lại. Hiện giá sắn tươi tại Kon Tum, Gia Lai trong khoảng 2.600 - 2.750 đồng/kg. Giá sắn tại Tây Ninh những ngày qua dao động trong khoảng 3.050 - 3.150 đồng/kg; giá sắn tại Đắk Lắk trong khoảng 2.700 - 2.750 đồng/kg.

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều - Ảnh 1.

Một điểm thu mua củ khoai mì tại huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sẽ sôi động trở lại, giá xuất khẩu các mặt hàng sắn vẫn ở mức cao khi nguồn cung suy giảm. 

Diện tích trồng sắn tại một số tỉnh trong nước bị nhiễm bệnh khảm lá, làm ảnh hưởng đến năng suất sắn niên vụ mới 2021 -2022, trong khi nhu cầu các sản phẩm sắn của Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhất là vào thời gian cuối năm, là yếu tố hỗ trợ giá sắn. 

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 1,59 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 747,33 triệu USD, giảm 1,8% về lượng, nhưng tăng 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Papua New Guinea, Hàn Quốc và Philippines. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,53 triệu tấn, trị giá 713,49 triệu USD, tăng 0,7% về lượng và tăng 18,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn sang các thị trường phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Đài Loan, Trung Quốc và Philippines. Trong khi đó, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô đạt 750,25 nghìn tấn, trị giá 193,91 triệu USD, tăng 47,8% về lượng và tăng 65,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 88,5% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 664,15 nghìn tấn, trị giá 165,53 triệu USD, tăng 56,7% về lượng và tăng 75,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc tăng là do từ đầu năm 2021 đến nay, giá ngô thế giới tăng mạnh nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát thay thế để làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, xuất khẩu sắn lát của Việt Nam đã được hưởng lợi từ xu hướng này. Giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô sang các thị trường đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều - Ảnh 3.

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều. Ảnh: CT

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều - Ảnh 4.

Hầu hết các nhà máy vẫn giữ giá thu mua sắn củ tươi ở mức cao do ảnh hưởng của mưa lũ, khiến nguồn cung sắn đưa về nhà máy đạt thấp. Ảnh: CT

Sớm mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, và cũng là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. 

Ngoài sản xuất ethanol, với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Hoa Kỳ và Nam Mỹ gặp khó do thời tiết bất lợi, nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi. 

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít...) đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có ngành sắn. 

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều - Ảnh 5.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Với mặt hàng sắn lát, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2021, nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 1,36 tỷ USD, tăng 98,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Tanzania là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc với 136,48 triệu USD, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 10% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 12,7% của 10 tháng năm 2020. 

Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan với 1,21 tỷ USD, tăng tới 118,5% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 89,4% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 81,2% của 10 tháng năm 2020.

Với mặt hàng tinh bột sắn, trong 10 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 2,81 triệu tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 1,34 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng 48,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào và Campuchia. 

Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 2,04 triệu tấn, trị giá 986,09 triệu USD, tăng 52,9% về lượng và tăng 76,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021, với 494,67 nghìn tấn, trị giá 229,18 triệu USD, giảm 39,9% về lượng và giảm 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 17,6%, giảm mạnh so với mức 37,1% của cùng kỳ năm 2020; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 72,5%, tăng mạnh so với mức 60,2% của cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2021, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Indonesia với 204,87 nghìn tấn, trị giá 92,72 triệu USD, tăng tới 13.255% về lượng và tăng 15.536% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thị phần tinh bột sắn của Indonesia chiếm 7,3% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 0,1% của 10 tháng năm 2020.

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này nhưng nguồn cung của Việt Nam không còn nhiều - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Được biết, trong bối cảnh xuất khẩu nông sản trong đó có mặt hàng sắn sang Trung Quốc khó khăn ở cửa khẩu với Trung Quốc như hiện nay, Bộ Công Thương đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt-Trung cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản tới Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc đăng ký bã sắn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành sắn cũng cần quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA với Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,... với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các ban ngành liên quan để tận dụng các cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam.

Theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo, với số lượng là 30.000 tấn/năm (thuế suất nhập khẩu tinh bột sắn vào EU ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không, ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg).


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục